Ngày 25/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục tổ chức hai Phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo Phiên giải trình.
Tham dự Phiên giải trình còn có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Thường trực Ủy ban; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các vị đại biểu Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ; đại diện các cơ quan, đơn vị có liên quan...
Toàn cảnh Phiên giải trình về nội dung: “Dạy học trong bối cảnh Covid-19”.
Phát biểu tại Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Sau một ngày làm việc khẩn trương, tích cực với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID-19” do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục chủ trì tổ chức đã hoàn thành chương trình đề ra và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Đây là kết quả của sự chỉ đạo sâu sát từ Lãnh đạo Quốc hội, mà trực tiếp là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục; của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan.
Phiên giải trình đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri. Để chuẩn bị cho phiên giải trình này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tổ chức khảo sát thực tiễn, làm việc với Bộ, ngành, tọa đàm với các chuyên gia để xin ý kiến về những nội dung trọng tâm; tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan và của đại biểu Quốc hội để chuẩn bị nội dung, chương trình của Phiên giải trình. Phiên giải trình đã được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của các đại biểu Quốc hội thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, Phiên giải trình chiều nay được đón đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tới dự, chủ trì và phát biểu chỉ đạo.
Trong buổi sáng ngày 25/02, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giải trình 15 câu hỏi của đại biểu Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo giáo viên phổ thông, mầm non”, tập trung vào hai nhóm vấn đề: biên chế nhà giáo và chính sách cho nhà giáo. Những vấn đề cần quan tâm đã được nêu trong nội dung kết luận cuối buổi sáng cũng như trong ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Trong buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với lãnh đạo các Bộ Y tế đã giải trình những câu hỏi của đại biểu Quốc hội về “Vấn đề dạy học trong bối cảnh COVID - 19”, tập trung vào hai nhóm vấn đề: Bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học và bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh COVID-19. Với tinh thần thẳng thắn, tính xây dựng cao, Phiên giải trình đã diễn ra sôi nổi, nghiêm túc; ý kiến và câu hỏi của đại biểu Quốc hội phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri, rất trí tuệ và sâu sắc; phần giải trình của đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rất thẳng thắn, cởi mở; rõ việc, rõ trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, nghiêm túc đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Qua chất vấn, ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Chính phủ, các bộ, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp và quyết liệt trong triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt là vấn đề thực hiện chủ trương mở cửa trường học an toàn, thích ứng với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của ngành Giáo dục đôi khi còn lúng túng, bị động; việc triển khai thực hiện ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn thiếu thống nhất, đồng bộ.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Việc sớm mở cửa lại trường học là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo chất lượng dạy học. Tuy nhiên, việc mở cửa trường học còn đối mặt với nhiều thách thức như: Điều kiện bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đội ngũ nhà giáo và người học; việc tổ chức dạy học trong điều kiện có thể xuất hiện nhiều ca nhiễm.
Dạy và học trực tuyến được xác định là giải pháp quan trọng khi học sinh không thể đến trường do ảnh hưởng của dịch COVID-19; cũng là hướng triển khai lâu dài của ngành Giáo dục trong lộ trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, chất lượng của hình thức dạy học trực tuyến còn hạn chế; nhiều vấn đề còn đặt ra như: phần mềm thiếu đồng bộ, cơ sở dữ liệu số chưa phong phú, năng lực tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến của đội ngũ giáo viên nhìn chung còn bất cập; thiết bị học trực tuyến vừa thiếu, vừa chưa đồng đều, hạ tầng Internet bị quá tải cục bộ, cước phí Internet 3G và 4G còn cao; kiến thức về an ninh, an toàn trên không gian mạng còn hạn chế...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu Kết luận tại Phiên giải trình.
Việc triển khai dạy học trong bối cảnh COVID-19 mới chỉ bảo đảm thực hiện kế hoạch năm học, không bị gián đoạn, tuy nhiên, chất lượng giáo dục còn nhiều vấn đề đặt ra: chương trình giản lược; nhiều hoạt động giáo dục không được triển khai; thiếu tương tác giữa người học với người dạy, người học với người học; điều kiện tiếp cận không đồng đều giữa các nhóm đối tượng học sinh ở các vùng miền; tính công bằng và chính xác trong thi, kiểm tra, đánh giá khó bảo đảm...
Tác động của đại dịch COVID-19 làm gia tăng nguy cơ mất công bằng trong tiếp cận với giáo dục: học sinh nghèo thiếu thiết bị học tập, có nguy cơ bỏ học; hậu quả của việc nhiễm COVID-19 và việc kéo dài thời gian học trực tuyến đã ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của giáo viên và học sinh, nhất là những trường hợp mất người thân trong đại dịch... Nếu không khắc phục kịp thời sẽ để lại hệ lụy lâu dài, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và ảnh hưởng đến khả năng phát triển toàn diện của học sinh. Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khoá XV; Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tuy nhiên việc triển khai trong thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tiến độ.
Có thể khẳng định, Phiên giải trình đã đặt ra những vấn đề lớn mà các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước hết sức quan tâm. Các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan giải đáp thỏa đáng. Một số vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội nêu hôm nay nhưng chưa kịp giải trình, chúng tôi sẽ tổng hợp gửi các cơ quan liên quan để tiếp tục trả lời bằng văn bản. Trên cơ sở các nội dung Phiên giải trình, thay mặt Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tích cực triển khai Chương trình phục hồi kinh tế nói chung, chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục nói riêng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội khoá XV. Đặc biệt, sớm quan tâm triển khai bổ sung các gói hỗ trợ cho cơ sở giáo dục ngoài công lập, giáo viên ngoài công lập để tạo điều kiện khôi phục hoạt động dạy học trong tình hình mới.
Tập trung triển khai nhanh gói tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên và chính sách hỗ trợ giáo viên dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương và tác động nặng nề đến giáo dục, đào tạo. Xem xét, có cơ chế miễn bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trong thời điểm dịch bệnh.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tăng cường đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền internet, phương tiện, điều kiện học tập của học sinh để bảo đảm triển khai hiệu quả phương thức dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp; từng bước chuyển đổi số trong giáo dục. Tiếp tục chỉ đạo bộ, ngành, địa phương hoàn thiện kế hoạch, phương án tổ chức dạy học bảo đảm an toàn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục.
Thứ hai: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá toàn diện, đầy đủ tác động trước mắt và lâu dài của dịch COVID-19 tới hoạt động giáo dục ở tất cả cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể dạy và học trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh; Phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục hoàn thiện phương án tổ chức dạy học, tập huấn kịch bản ứng phó khi đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học; Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, sinh viên.
Thứ ba: Đề nghị ngành Giáo dục cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục bồi dưỡng, cũng cố kiến thức cho học sinh khắc phục những hạn chế bất cập trong thời gian học trực tuyến; chú trọng công tác tư vấn học đường để hỗ trợ học sinh sớm hòa nhập, trở lại trạng thái bình thường sau thời gian dài học trực tuyến; có kế hoạch học cập nhật, bổ sung kiến thức miễn phí cho học sinh.
Đối với những địa bàn phải tiếp tục học trực tuyến, cần quan tâm đẩy nhanh việc bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, các điều kiện để tổ chức học trực truyến; xây dựng các nền tảng dạy học trực tuyến dễ dàng và thuận tiện khi sử dụng và phù hợp với đặc thù của từng cấp học; bảo đảm an toàn thông tin cho học sinh, sinh viên, giáo viên trên không gian mạng.
Nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Mở rộng hơn nữa các hình thức dạy học để phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện khác nhau của từng cấp học, từng đia phương.
Thứ tư: Hoàn thiện các chính sách quản lý trong lĩnh vực giáo dục, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán giữa các chính sách từ cao xuống thấp, từ chính sách chung đến các chính sách đặc thù của ngành. Áp dụng linh hoạt hơn những tiêu chí đảm bảo chất lượng và phương pháp đánh giá, thực hiện công bằng trong giáo dục và đào tạo.
Thứ năm: Bộ Y tế cần nghiên cứu, đánh giá rủi ro về sức khoẻ đối với học sinh dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm phòng vắc xin.
Việc mở rộng đối tượng tiêm vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi cần được thử nghiệm và triển khai từng bước thận trọng, khoa học để phụ huynh và xã hội yên tâm, ủng hộ. Sau Phiên giải trình này, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ hoàn thiện Kết luận Phiên giải trình, gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, làm cơ sở để tiếp tục giám sát việc thực hiện hoạt động dạy học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và vấn đề giải quyết bài toán biên chế nhà giáo cũng như việc triển khai chính sách./.