Đến dự Phiên họp còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm cùng các thành viên Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu tại Phiên họp.
Trình bày Nghị quyết thành lập Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Tiểu ban gồm 10 thành viên do Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia Phùng Quốc Hiển là Trưởng Tiểu ban; Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực là Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình và 8 Ủy viên Tiểu ban. Tiểu ban sẽ kết thúc hoạt động khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia kết thúc hoạt động.
Trong dự thảo Nghị quyết phân công thành viên quyết nghị phân công nhiệm vụ với Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tiểu ban; lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động chung của Tiểu ban; chủ trì, triệu tập các cuộc họp của Tiểu ban. Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Dương Thanh Bình giúp Trưởng Tiểu ban trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và xem xét việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổng hợp, xây dựng báo cáo định kỳ hoặc đột xuất của Tiểu ban để báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia... Các Ủy viên khác phối hợp với Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, dự thảo Quy chế làm việc của Tiểu Ban quy định nguyên tắc, hình thức làm việc, chế độ báo cáo, các thức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tiểu ban trong việc giúp Hội đồng Bầu cử Quốc gia về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định của pháp luật. Tiểu ban làm việc theo chế độ tập thể, thực hiện nguyên tác tập trung dân chủ; giúp Hội đồng bầu cử xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, khách quan, công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật. Các hình thức làm việc gồm: tổ chức cuộc họp và cho ý kiến bằng văn bản; tổ chưc đoàn kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương.
Về chế độ và lề lối làm việc: Tiểu ban chịu trách nhiệm tiếp nhận, nghiên cứu, đề xuất báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử, kết quả bầu cử theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Các cuộc họp của Tiểu ban được tổ chức công khai. Tiểu ban có thể họp kín, do Trường Tiểu ban quyết định. Ngoài cuộc họp toàn thể, Trưởng Tiểu ban quyết định việc tổ chức các cuộc họp riêng với các Phó Trưởng Tiểu ban hoặc một số thành viên Tiểu ban để xử lý công việc đột xuất và được báo cáo Tiểu ban tại phiên họp gần nhất. Các thành viên Tiểu ban không tham dự được cuộc họp phải báo cáo Trường Tiểu ban. Trường hợp cử người khác đi dự cuộc họp thay phải được sự đồng ý của Trường Tiểu ban. Căn cứ nội dung cuộc họp, Tiểu ban mời Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự.
Nội dung cuộc họp công khai phải được ghi âm, ghi biên bản. Tất cả các cuộc họp của Tiểu ban phải đủ hồ sơ và được Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm lưu trữ theo quy định. Kết quả phiên họp được báo cáo Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Trưởng Tiểu ban quyết định việc đăng tải các nội dung cuộc họp của Tiểu ban trên trang thông tin, điện tử của Hội đồng bầu cử quốc gia và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Phiên thứ Nhất của Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Về việc xin ý kiến bằng văn bản: Tùy nội dung, yêu cầu và tính chất công việc, Trường Tiểu ban quyết định việc xin ý kiến bằng hình thức gửi văn bản. Các thành viên khi nhận được văn bản xin ý kiến có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời và gửi lại theo thời gian yêu cầu. Tài liệu của Tiểu ban gửi về Ban Dân nguyện, 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội.
Về Nhiệm vụ, quyền hạn các thành viên Tiểu ban: Trường Tiểu ban điều hành toàn bộ hoạt động của Tiểu ban theo chương trình, kế hoạch và quy định về nguyên tắc, chế độ và lề lối làm việc của Tiểu ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của Tiểu ban. Các thành viên của Tiểu ban thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trường Tiểu ban, phối hợp chặt chẽ và chịu trách nhiệm trước Trương Tiểu ban về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Các thành viên của Tiểu ban được sử dụng cán bộ của cơ quan mình để giúp việc.
Về chế độ báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia: Tiểu ban chịu trách nhiệm và báo cáo về hoạt động của Tiểu ban trước Hội đồng bầu cử quốc gia. Tiểu ban báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia. Định kỳ hoặc đột xuất và theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tiểu ban báo cáo với Hội đồng bầu cử quốc gia về tình hình, kết quả hoạt động. Tổng kết và báo cáo tổng hợp về tình hình khiếu nại, tố cáo và kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với Hội đồng bầu cử Quốc gia.
Về mối quan hệ công tác: Tiểu ban phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan trong việc xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (nếu có) đối với nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV theo nguyên tắc bảo mật. Tiểu ban duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Ủy ban bầu cử ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của Tiểu ban. Giúp việc cho Tiểu ban có Tổ chuyên môn giúp việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của Tiểu ban và Tổ giúp việc của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Về việc tổ chức thực hiện: Các thành viên của Tiểu ban chịu trách nhiệm thực hiện theo quy chế này. Trong quá trình chỉ đạo việc bầu cử nếu phát sinh các công việc khác có liên quan, Trường Tiểu ban sẽ chỉ đạo, điều chỉnh và phân công cụ thể.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết: Theo dự thảo Kế hoạch công tác, từ tháng 01 đến tháng 7/2021, Tiểu Ban sẽ chỉ đạo công tác tiếp công dân; tiếp nhận xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Gửi Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố đề cương, mẫu báo cáo tổng hợp về tình hình khiếu nại, tố cáo và kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong tháng 02/2021. Từ ngày 13/5 đến khi kết thúc cuộc bầu cử, Tiểu ban hoàn chỉnh hồ sơ khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử giúp Hội đồng Bầu cử Quốc gia chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đã trúng cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban Kiểm tra tư cách đại biểu Quốc hội Khóa XV và chuyển toàn bộ hồ sơ đối với các trường hợp chưa có kết luận, chưa có kết quả giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV theo quy định... Tiểu ban sẽ tổng kết hoạt động trong tháng 7/2021.
Cũng tại Phiên họp, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo đã cơ bản thông qua các dự thảo: Quy chế làm việc, Nghị quyết phân công thành viên; Kế hoạch công tác; Quyết định thành lập tổ chuyên môn xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của Tiểu ban.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận Phiên họp.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban Phùng Quốc Hiển khẳng định: Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo là Tiểu ban có nhiệm vụ, trách nhiệm hết sức nặng nề trong thực hiện công việc được giao. Kinh nghiệm cho thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc làm thường xuyên diễn ra trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tiểu ban cần chú trọng bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, quy chế làm việc của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và của Tiểu ban; đồng thời, phân công, phân nhiệm rõ ràng, các thành viên thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm cao, tránh làm kéo dài dẫn đến ảnh hưởng đến công tác bầu cử.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đối với Quy chế làm việc của Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị, bộ phận giúp việc Tiểu ban hoàn thiện các văn bản, bảo đảm ngắn gọn, tránh dài dòng, sớm trình Trưởng Tiểu ban ký ban hành./.