Đại biểu Phạm Trí Thức, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại phiên họp
Trình bày ý kiến thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Trí Thức, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa bày tỏ quan điểm rằng cần cân nhắc về vấn đề quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20, bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/đầu người.
Theo đại biểu, quy định này không bảo đảm tính bình đẳng về quyền con người, quyền công dân, giữa khoản 1, khoản 2 quy định về trường hợp là người sở hữu nhà và người về ở cùng với chủ hộ là người thân và đối với những người cho thuê, cho mượn, ở nhờ. Đại biểu cho rằng quy định này không đảm bảo thống nhất về mặt kỹ thuật trong một điều luật, có sự phân biệt giữa người ở khoản 1, khoản 2 với khoản 3.
Bên cạnh đó, nếu căn cứ vào mục tiêu trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để quy định là cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức sàn mỗi đầu người không thấp hơn 8m2, đây là chiến lược và là mục tiêu mà chúng ta hướng tới. Còn trên thực tiễn, việc này đã được thực hiện hay chưa thì chưa có tổng kết. Đại biểu cho biết, ở rất nhiều nơi, thậm chí ngay ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ở những khu phố cổ, trung bình một đầu người có thể không đến 4m2, chỉ dưới 4m2. Ngay cả các nước phát triển nhất như ở thủ đô London của Anh, hay Tokyo của Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc cũng có rất nhiều căn hộ chỉ có 4m2 thôi, thậm chí rất nhiều người phải ở trong phòng kích cỡ như thùng các-tông và những người vô gia cư cũng không ít. Đắt mức không dưới 8m2 là chiến lược và mục tiêu của chúng ta, còn trên thực tiễn, việc không gian sống ở dưới mức 8m2/người ở các thành phố lớn là tương đối nhiều. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ không đảm bảo quyền con người, quyền công dân và không bảo đảm bình đẳng với quyền cư trú.
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã quy định theo Luật Thủ đô bảo đảm 15m2/ người thì mới đăng ký thường trú, nhưng trên thực tế, quy định đó cũng không cản trở được việc người dân về Hà Nội cư trú theo dạng tạm trú. Như vậy những rào cản chúng ta đưa ra về mặt kỹ thuật cũng không đạt được, rõ ràng điều này cũng cần phải cân nhắc. Đại biểu cho rằng việc giao cho Hội đồng nhân dân cần phải cân nhắc, vì Hội đồng nhân dân ở 63 tỉnh, thành phố khác nhau, quy định khác nhau sẽ không bảo đảm tính thống nhất của pháp chế. Dẫn lại quan điểm của Lênin rằng pháp chế xã hội chủ nghĩa chỉ có một mà thôi, còn kinh tế - xã hội thì mỗi tỉnh, mỗi thành phố là khác nhau, đại biểu cho rằng việc mỗi tỉnh thành quy định khác nhau là không bảo đảm bình đẳng trong quyền cư trú của công dân./.