ĐBQH NGUYỄN NGỌC HẢI GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

04/01/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng dự thảo quy định Bộ đội biên phòng có chức năng chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật là có cơ sở lý luận và thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cơ bản tán thành Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Để góp phần hoàn thiện dự án luật, bảo đảm Luật Biên phòng Việt Nam có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, đại biểu đề xuất có một số ý kiến như sau.

Thứ nhất, về vị trí, chức năng của bộ đội Biên phòng quy định tại Điều 12 của dự thảo luật, đại biểu bày tỏ sự tán thành với sự chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội, tại khoản 1 dự thảo xác định vị trí của Bộ đội biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Tại khoản 2 quy định về chức năng chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Về mặt lý luận, đại biểu cho rằng việc quy định như dự thảo hiện nay là phù hợp với quan điểm của Đảng và thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan như khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia, khoản 2 Điều 35 Luật Quốc phòng, khoản 5 Điều 16 Luật Công an nhân dân.

Về khía cạnh thực tiễn, trải qua hơn 61 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, do tính chất, nhiệm vụ, Bộ đội biên phòng có 28 năm thuộc Bộ Công an và hơn 32 năm thuộc Bộ Quốc phòng. Dù ở Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Là một tỉnh có gần 280 km đường biên giới quốc gia, với 12 đồn biên phòng, trong công tác phối hợp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, thời gian vừa qua, lực lượng biên phòng tỉnh Hà Giang đã chủ động, thường xuyên phối hợp tốt với các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, củng cố, nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu biên giới, đã xác lập và đấu tranh thắng lợi nhiều chuyên án và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo giữ gìn an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn biên giới. Như vậy, dự thảo quy định Bộ đội biên phòng có chức năng chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật là có cơ sở lý luận và thực tiễn. Đại biểu đồng tình và nhất trí cao với dự thảo dự thảo luật đã thể hiện.

Thứ hai, về quyền hạn của Bộ đội biên phòng, đại biểu tán thành với các quy định về quyền hạn của Bộ đội biên phòng quy định tại Điều 14 dự thảo luật đã đảm bảo được tính thống nhất giữa các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan và không có sự mâu thuẫn, xung đột với các luật khác, như Luật Hải quan. Ở Điều 12 khoản 1, Điều 35 Luật Hải quan năm 2014 quy định hải quan có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.

Trong dự thảo quy định quyền hạn của Bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Như vậy, về phạm vi, mục đích kiểm tra, kiểm soát phương tiện của Bộ đội biên phòng và lực lượng hải quan là khác nhau. Bộ đội biên phòng chỉ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu và theo quy định của pháp luật.

Về mục đích, lực lượng hải quan kiểm soát về hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh xem hàng hóa có đủ giấy tờ xuất nhập khẩu theo đăng ký hay không, còn Bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh để bảo đảm về mặt an ninh đối với hàng hóa, thủ tục, giấy tờ đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện xuất, nhập cảnh và các phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu./.

Minh Hùng

Các bài viết khác