BÁO CÁO THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ (SỬA ĐỔI)

15/09/2020

Chiều ngày 15/9/2020, sau khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Dự án luật này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức cuộc họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Theo đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên , tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ, thúc đẩy sự phát triển giao thông đường bộ và bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do đi lại của công dân. Đồng thời, khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật giao thông đường bộ năm 2008 và bổ sung điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn về quản lý giao thông đường bộ; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sự thuận lợi, thông thoáng về thủ tục, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông đường bộ; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, các quy định của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, nội dung dự thảo Luật còn liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đường sắt, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công…; liên quan đến các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên như Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ, Công ước viên 1968 về biển báo và tín hiệu giao thông đường bộ, Hiệp định công nhận giấy phép lái xe giữa các nước trong khối Asean… Một số quy định trong dự thảo Luật trùng lặp với quy định của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ … Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Về việc tách ra thành hai dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẳng định, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tách thành hai dự án Luật, vì cho rằng, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện các vấn đề liên quan đến giao thông đường bộ, từ đó tách thành hai nội dung lớn là giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời xây dựng thành hai dự án Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trong đó, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tập trung điều chỉnh các nội dung cơ bản về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Về tên Luật, đa số Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành tên gọi là “Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)”. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị đổi tên là “Luật Đường bộ” để tương ứng, thống nhất với tên gọi của các luật về lĩnh vực giao thông như Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng...

Cân nhắc các quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông và tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, trong quá trình thảo luận quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 44, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì cho rằng khi xây dựng quy định tại điểm c khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cấm người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại gầm cầu vượt, đã tính đến tác hại của việc dừng xe, đỗ xe tại gầm cầu vượt dễ gây cháy nổ do xăng, dầu của xe sẽ làm hư hại, thậm chí còn gây sập cầu vượt, cầu cạn. Thực tế hiện nay chủ yếu là phương tiện giao thông cá nhân gửi tại điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vượt, cầu cạn và như vậy sẽ làm phát triển phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố là đi ngược lại với chính sách của Nhà nước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố (Điều 5).  Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành với quy định tại Điều 44 dự thảo Luật, vì cho rằng hiện nay tại các thành phố, điểm giao thông tĩnh đang rất hạn chế, nhất là thiếu bãi đỗ trông giữ xe.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cân nhắc quy định việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện tham gia giao thông đường bộ nhằm bảo đảm an toàn cho cầu vượt, cầu cạn và phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển giao thông đường bộ là hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố.

Bên cạnh đó, về quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị (khoản 2 Điều 12), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, các ý kiến của Thường trực Ủy ban đều cho rằng, khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật không quy định cụ thể tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị là chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn hiện nay, bởi vì:  Pháp luật hiện hành quy định: “Tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26%” (khoản 2 Điều 42 Luật GTĐB năm 2008) và quy định cụ thể tỷ lệ như sau: Đô thị đặc biệt ≥ 26%, Đô thị loại I ≥ 24%, Đô thị loại II ≥ 22%, Đô thị loại III ≥ 19%, Đô thị loại IV ≥ 17% và Đô thị loại V ≥16% (Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị).

Trong khi đó, thực tiễn thực hiện cho thấy tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị hiện nay còn thấp hơn nhiều so với quy định, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ đạt khoảng 9% . Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, tỷ lệ này tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực; hơn nữa, mật độ đường phố tại khu vực trung tâm cũng rất thấp, như khu vực nội đô Hà Nội chỉ đạt khoảng 0,74 km/km2; tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh cũng rất thấp, mới chỉ đạt được dưới 01%./.

Lan Hương - Minh Hùng