CÂN NHẮC QUY ĐỊNH LẬP BIÊN BẢN HÀNH CHÍNH TRONG 24H VI PHẠM

15/09/2020

Sáng ngày 15/09, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc, đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho biết, cùng với dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là 1 trong 2 dự án Luật sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức lấy ý kiến đóng góp ý trước Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội tới đây. Để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã mời đại diện các Sở, ngành, quận, huyện, xã, phường để góp ý vào những nội dung trong dự thảo Luật.

Tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung như: Các hành vi bị nghiêm cấm; các hình thức xử phạt gồm mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt; lập biên bản vi phạm hành chính; cưỡng chế thi hành xử phạt vi phạm hành chính; tạm giữ người vi phạm hành chính; xử lý tang vật vi phạm vi phạm hành chính.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính quy định “Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn không quá 24 giờ, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính hoặc từ khi xác định được cá nhân, tổ chức vu phạm trong trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ…”.

Đồng tình với nguyên tắc lập biên bản vi phạm là cần đảm bảo nguyên tắc kịp thời, tuy nhiên, các đại biểu cho rằng quy định thời hạn 24h chưa phù hợp với thực tiễn. Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho biết, đối với những trường hợp bắt quả tang vi phạm hành chính, việc lập biên bản xử lý trong thời gian 24h là thuận tiện, còn nhiều trường hợp vi phạm về giao thông, húc đổ dải phân cách, biển hiệu thì quy định cứng như vậy sẽ rất khó khăn cho lực lượng chức năng.

Theo đại diện Cục Hải quan Hà Nội, nhiều nội dung xử phạt quá mức 50 triệu, thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố nên phải báo cáo, chuyển hồ sơ lên, do đó quy định trong thời hạn 24h phải lập biên bản vi phạm hành chính sẽ dẫn tới việc không kịp xử lý trong thực tế.

Nhiều ngành chức năng cho rằng, việc quy định phải lập biên bản vi phạm hành chính trong thời hạn không quá 24h như dự thảo sẽ gây khó khăn trong triển khai, nhất là những vụ việc được phát hiện vào ngày nghỉ, ngày lễ hay ngày thứ 6. Ngoài ra, dự thảo quy định Biên bản được lập trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc trong trường hợp phải xác định giá trị tang vật, kiểm nghiệm, kiểm định cũng chưa phù hợp với trường hợp cần xác minh hàng lậu.

Cũng tại Hội nghị, đa phần đại biểu bày tỏ sự đồng tình với quan điểm cần áp dụng bổ sung biện pháp cắt dịch vụ điện nước nhằm ngăn ngừa hành hành vi phạm hành chính, nhất là vi phạm về trật tự xây dựng khiến việc thi hành cưỡng chế vừa khó khăn, vừa gây tốn kém. Đồng thời cần tăng thẩm quyền mức xử phạt đôi với các chức danh như Chủ tịch UBND cấp xã, huyện trong xử lý vi phạm để hạn chế tình trạng phải chuyển hồ sơ do vượt quá thẩm quyền./.

Khắc Phục