Hội nghị thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là diễn đàn đối thoại nghị viện cấp cao nhất ở quy mô toàn cầu với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới. Kể từ hội nghị lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000, đến nay Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới được tổ chức theo định kỳ 5 năm một lần.
Hội nghị thượng định các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 diễn ra trong hai ngày 19-20/8, được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo Wolfgang Sobotka và Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn; và các đại biểu Quốc hội: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.
Xây dựng cơ chế tăng cường hiệu quả hợp tác đa phương
Trước thềm khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân phát đi thông điệp gửi đến Hội nghị, trong đó nội dung nhấn mạnh sự tham gia của Quốc hội Việt Nam vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững.
Đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn dự Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn, trong đó các vấn đề an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng trở nên gay gắt, nhất là đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng, sâu rộng tới mọi mặt của đời sống xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những thách thức này cho thấy hơn bao giờ hết, chủ nghĩa đa phương có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối, gia tăng nguồn lực quốc gia, phát huy sức mạnh tập thể nhằm ứng phó hiệu quả hơn trước những vấn đề mang tính toàn cầu.
Đề cập là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam đã tham gia tích cực vào các cơ chế liên nghị viện khu vực và thế giới, góp phần củng cố hòa bình, thúc đẩy hợp tác và triển khai các mục tiêu phát triển bền vững. Trong năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA). Với những trọng trách đó, Việt Nam cam kết tiếp tục đóng góp vào những nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương hiệu quả và bền vững hơn.
Để tăng cường hiệu quả trong hợp tác đa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các nhà lãnh đạo Quốc hội các nước cần xây dựng các cơ chế chặt chẽ gắn trách nhiệm quốc gia với trách nhiệm quốc tế. Nghị viện các nước cần tiếp tục duy trì cam kết chính trị mạnh mẽ, có hành động cụ thể tại các diễn đàn đa phương với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự toàn cầu. Bên cạnh đó, các thể chế, cơ chế hợp tác đa phương cần tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng lợi ích chung của các thành viên.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng nhấn mạnh kênh ngoại giao nghị viện đa phương sẽ tiếp tục là một công cụ quan trọng nhằm củng cố niềm tin, mở rộng hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác vì một nền hòa bình bền vững và sự thịnh vượng cho tất cả các nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến thảo luận tại Hội nghị.
Cùng nhau thảo luận giải quyết những vấn đề toàn cầu và định hình tương lai
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cho biết, Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống nhưng nó cũng tạo ra cơ hội để hướng tới đích đến chung là phục hồi và tái thiết mạnh mẽ hơn, có được tương lai tươi đẹp hơn.
Covid-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế đã biến thành khủng hoảng về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến đời sống của tất cả người dân. Các nước đều có các hành động để giải quyết khủng hoảng nhưng vẫn còn những hệ lụy to lớn đối với tương lai của nền kinh tế khi mà dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm. Theo Oxfam, khoảng nửa tỉ người rơi vào cảnh đói nghèo do tác động của khủng hoảng Covid-19 và đằng sau câu chuyện của đói nghèo là hàng tỉ người buộc phải rời bỏ nhà cửa, trở thành những người di cư.
Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cho rằng, thực trạng này đòi hỏi các đại biểu cần phải lắng nghe mong mỏi của người dân và theo sát họ. Quốc hội cần biến các thỏa thuận quốc tế trở thành hiện thực. Khẳng định, Quốc hội là cơ quan để bảo vệ người dân và Liên minh Nghị viện Thế giới đóng vai trò tiên phong dẫn đến thịnh vượng chung, tiến bộ xã hội bao trùm qua đó thúc đẩy các giải pháp hòa bình. Cùng với đó là tăng cường thấu hiểu, hướng tới đồng thuận, cảm thông và cùng nhau tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cũng nêu rõ, trách nhiệm của Quốc hội/Nghị viện trong giám sát hoạt động của Chính phủ, thực hiện cam kết hướng đến thế giới không có vũ khí hạt nhân, nỗ lực hướng tới thúc đẩy đạt được nhiều kết quả hơn trong bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em, hướng tới những mục tiêu xa hơn, biến đổi theo hướng tốt đẹp hơn.
Nhấn mạnh Hội nghị này cơ hội để các Chủ tịch Quốc hội thế giới thực hiện trọng trách của mình, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron bày tỏ mong muốn các ý kiến thảo luận tại hội nghị sẽ góp phần đề cao chủ nghĩa đa phương, đưa ra các giải pháp toàn cầu, giải quyết những thách thức toàn cầu và kết quả đạt được từ hội nghị sẽ được trình bày trước Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay.
Phát biểu trong phiên khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng bày tỏ quan ngại đối với khủng hoảng do đại dịch Covid – 19 gây ra khi mà có hơn 700.000 người thiệt mạng và con số này ngày một gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Trước khi đại dịch xảy ra, nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường, sự bất bình đẳng, y tế công cộng không đầy đủ… tuy nhiên, đại dịch này cũng chỉ làm lộ rõ thêm những lỗ hổng và mảng tối trong xã hội. Do đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng cần biến quá trình phục hồi trở thành cơ hội để chỉnh sửa những sai lầm trước đây, để giúp xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng đề xuất 6 vấn đề mà các quốc gia cần quan tâm thực hiện. Theo đó cần xây dựng xã hội tiến bộ hơn, tạo ra việc làm xanh, phát triển bền vững; biến đổi những ngành công nghiệp phù hợp với thỏa thuận về biến đổi khí hậu.
Trước những vấn đề ảnh hưởng tới tương lai như bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia xây dựng khế ước xã hội mới với những chính sách mới, trong đó có bảo hiểm y tế toàn dân, giáo dục tạo ra cơ hội học tập, xây dựng luật pháp quốc gia phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững. Ở cấp độ quốc tế, cần có những thoả thuận toàn cầu mới nhằm bảo đảm chia sẻ lợi ích của tăng trưởng toàn cầu và dành tiếng nói mạnh mẽ cho các nước đang phát triển.
Tổng Thư ký Liên hợp cũng kêu gọi bảo đảm các quyền con người và kỳ vọng các Quốc hội/Nghị viện thúc đẩy bình đẳng giới.
Cùng với đó là các chính phủ, các nhà lập pháp phối hợp cùng với các tổ chức quốc tế hay thể chế khác hợp tác với nhau và hợp tác xuyên biên giới thông qua chủ nghĩa đa phương để cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Cho biết Liên hợp quốc đã luôn hợp tác chặt chẽ với IPU để cùng nhau thảo luận, định hình tương lai, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres hy vọng thông qua thảo luận giữa các nghị sĩ, nghị viện để có thể hiện thực hoá các mục tiêu chung và góp phần xây dựng Liên hợp quốc mạnh như chúng ta hằng mong muốn.
Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu nghe các báo cáo chuyên đề về Hiện thực hóa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái: Thực tiễn và các cam kết của nghị viện; Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào chính trị và nghị viện: từ lời nói đến hành động; Thập kỷ hành động để đạt được Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đồng thời thảo luận về các chủ đề: “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu” và “Dịch chuyển thể nhân để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn - Các thách thức, cơ hội và giải pháp”.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham gia phát biểu ý kiến thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu”./.