ĐBQH MA THỊ THÚY GÓP Ý HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

19/08/2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đã tham gia đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.

 

Đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang góp ý hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ sự ủng hộ đối với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính. Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trong thời gian vừa qua, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Ma Thị Thúy đã tham gia đóng góp một số ý kiến về quy định xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính.

Đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 18 tuổi là người chưa thành niên và điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi vi phạm hành chính do cố ý, người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, người chưa thành niên là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm sinh lý, khả năng nhận thức còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu những điều kiện về bản lĩnh tự lập, thiếu khả năng tự kiềm chế và dễ bị kích động, lôi kéo, dụ dỗ. Do đó, đại biểu cho rằng, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ, sửa chữa lỗi lầm, phát triển lành mạnh. Biện pháp giam giữ được áp dụng cuối cùng khi không còn biện pháp thích hợp nào khác và trong thời hạn ngắn nhất có thể.

Theo đại biểu, thực trạng hiện nay cho thấy tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có tính chất nghiêm trọng, ngày càng diễn biến phức tạp, tập trung vào những tội phạm xâm phạm sở hữu như cướp giật, trộm cắp tài sản, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, các tội về ma túy đã và đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đây là hồi chuông cảnh báo tới toàn xã hội về tội phạm là đối tượng chưa thành niên, trong đó nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên đang có dấu hiệu tăng dần. Mặc dù Bộ luật Hình sự chỉ quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên và Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định độ tuổi từ 12 đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng, do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính và từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng tại Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Như vậy người từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng sẽ không thuộc đối tượng bị xử lý hành chính, mà thay vào đó là áp dụng các biện pháp nhắc nhở, quản lý tại gia đình.

Tuy nhiên, 2 biện pháp thay thế này dường như khó đạt kết quả thực thi cao, trong khi điều kiện áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật Xử lý vi phạm hành chính là “người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình, có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này, cha, mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình”.

Đại biểu cho rằng, đa phần dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của nhóm người chưa thành niên này là không có sự quản lý của gia đình, tình trạng cha mẹ ly hôn, cha mẹ của người phạm tội không có điều kiện chăm sóc, giáo dục đã khiến cho nhóm đối tượng này dễ xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, do vậy cần bổ sung biện pháp cho phù hợp. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét sửa đổi một số quy định về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người dưới 18 tuổi của Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Bộ luật Hình sự và các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như đảm bảo không có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với người dưới 18 tuổi.

Đại biểu Ma Thị Thúy cho biết, theo dự thảo hiện nay, đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi, các em sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng nếu thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự. Có thể thấy rằng đưa vào trường giáo dưỡng, bản chất là biện pháp nhằm hạn chế tự do của người chưa thành niên, vì thế với tinh thần vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, đối với trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi cần cân nhắc, không nên áp dụng biện pháp mang tính tước tự do này. Bởi việc cách ly các em ra khỏi cuộc sống cộng đồng quá sớm, có thể không mang lại hiệu quả giáo dục phòng ngừa, do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 90 của Luật Xử lý vi phạm hành chính về điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo hướng sau đây:

Một, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.

Hai, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự.

Đại biểu Ma Thị Thúy cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại khoản 1 và sửa đổi bổ sung quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 92 của Luật Xử lý vi phạm hành chính về điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự./

Minh Thành