Nhiều quy định mới, cụ thể trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có chương riêng quy định về quản lý chất thải (Chương VI). Trong đó, về quản lý chất thải rắn sinh hoạt có quy định về phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại nhằm khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm công bằng trong việc chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý theo hướng phát sinh nhiều thì trả tiền nhiều, không cào bằng, bình quân theo đầu người. Đây là nội dung mới về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong được nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ, dư luận quan tâm.
Tại Kỳ họp thứ 9, thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định chặt chẽ việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; rà soát các quy định về kinh phí chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và quy định cụ thể lộ trình bắt buộc thực hiện tính chi phí phải trả dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh để bảo đảm tính khả thi.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác như tại Điều 76; đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh tại khoản 5 Điều 80. Về lộ trình thực hiện, giao Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 01/01/2025 như tại khoản 6 Điều 80 của Dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng chia sẻ, đây là nội dung bắt buộc phải làm của một quốc gia tiên tiến, văn minh, để thực hiện quy định này phải thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên cần có quyết tâm chính trị cao.
Ngoài ra dự thảo luật còn có các quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, quản lý chất thải nguy hại, quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác.
Cần khuyết khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ ủng hộ các chính sách mới, quy định mới, tiến bộ trong dự thảo Luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; đồng thời cho rằng bên cạnh các quy định quản lý chặt và xử lý hợp lý thì cũng cần phải có những quy định để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thu gom, phân loại được chất thải rắn sinh hoạt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong dự thảo Luật
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, bên cạnh việc thay đổi phương thức để thu gom rác và tạo điều kiện để người dân có thể bán chất thải rắn cho người xử lý, người tái tạo rác thì cũng cần quy định càng thải ra nhiều chất thải rắn sinh hoạt thì phải trả phí nhiều. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn những tiêu chuẩn, những quy trình của việc phân loại và quản lý chất thải rắn này và giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh quy định phân loại cụ thể.
Ngoài ra Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng tán thành với quy định của dự thảo Luật khuyến khích đầu tư xây dựng những nhà máy xử lý chất thải nguy hại bằng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, xử lý được nhiều loại chất thải nguy hại. Đồng thời lưu ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ban hành quy trình bảo đảm việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại hợp quy chuẩn và giao cho Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông vận tải theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bày tỏ ủng hộ quy định về phân loại rác tại nguồn song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng đây là vấn đề khó. Luật quy định nguyên tắc và giao về cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quyết định các dịch vụ về thu gom rác theo lộ trình triển khai đến 2025.
Trong khi đó, Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy lại cho rằng quy định lộ trình giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh đến năm 2025 là quá dài và nhấn mạnh trong vấn đề này cần có những quy định bắt buộc với lộ trình rõ ràng trong vòng 1 đến 2 năm để tạo thành thói quen và tập quán trong nhân dân.
Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy dẫn thực tế địa phương đã từng tiến hành thí điểm phân loại và nhận được sự đồng thuận, tích cực của người dân. Do đó cần quyết tâm tạo thành một nhận thức đồng bộ, nghiên cứu lộ trình ngắn hơn để tránh lãng phí. Cùng với đó, cần quy định cụ thể hơn để nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xử lý rác thải từ việc phân loại, nhất là đối với loại chất thải nguy hại; phải chi trả cho việc xử lý chất thải. Theo Trưởng Ban công tác đại biểu việc xử lý chất thải nên theo cơ chế thị trường, cần xác định giá dịch vụ xả thải để xử lý chất thải thay cho cơ chế phí hiện nay. Bởi do phí thấp nên chưa thu hút được đầu tư, chưa xử lý được các vấn đề căn cơ, các cơ quan tổ chức vẫn sẵn sàng xả thải ra môi trường dẫn đến môi trường không xử lý tốt.
Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng cần sớm đẩy nhanh lộ trình thực hiện quy định về phân loại, thu phí thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao các nội dung của dự thảo Luật quy định một cách kỹ lưỡng về xử lý chất thải nguy hại; cho rằng, nên quy hoạch và xây dựng khu vực xử lý chất thải nguy hại theo cụm, không nên ở từng địa phương, Bộ hoặc Chính phủ có trách nhiệm quy định cụ thể về quy hoạch xây dựng cụm này; đồng thời đề nghị rà soát kỹ để làm rõ trách nhiệm cơ quan, cơ sở có nguồn chất thải. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị chú ý đến việc quy định chặt chẽ việc nhập phế liệu.
Tuyên truyền thay đổi nhận thức ứng xử với môi trường
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng để Luật này phát huy được tác dụng và hiệu quả thì vấn đề truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của từng người dân là rất quan trọng. Thông tin tuyên truyên để nâng cao ý thức cộng đồng, ý thức người dân ngay từ phân rác bình thường hằng ngày.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh điểm quan trọng nhất trong vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường là nhận thức về môi trường và nhận thức về bảo vệ môi trường. Do đó vấn đề giáo dục, tuyên truyền cần phải được nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ, ngành trong tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng các quy định về giáo dục và tuyên truyền trong dự thảo Luật chưa được thể hiện một cách rõ ràng mà mới chỉ đề cập qua trong các chương gồm Chương XI là công cụ chính sách và nguồn lực, Chương XIII là quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội và chương XV là trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị nghiên cứu có thêm mục hoặc chương về vấn đề tuyên truyền, giáo dục về môi trường, bảo vệ môi trường. Ở đó không chỉ quy định về giữ gìn mà còn nhằm hình thành nhận thức chung về môi trường xanh, các vấn đề về biến đổi khí hậu…. Từ đó để người dân hiểu, hình thành nhận thức và chuyển biến thành hành động.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có giáo dục nghề nghiệp và Bộ Thông tin và Truyền thông nắm về báo chí và truyền thông, tuyên truyền về môi trường.
Hoan nghênh việc dự thảo Luật tập trung tới vấn đề xử lý chất thải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng sau khi các quy định mới này được ban hành cần có chiến dịch truyền thông rộng rãi, tuyên truyền những điểm mới để luật đi vào cuộc sống, dần dần thay đổi ý thức và hành động của người dân toàn xã hội từ việc phân loại chất thải rắn tại nguồn, từng hộ, từng nhà phải tập thói quen này, không đợi tới nhà máy mới phân loại.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý muốn đẩy mạnh truyền thông, muốn thực hiện các quy định mới phải có điều kiện, phải có kinh phí và Nhà nước phải đầu tư; đồng thời khẳng định quan điểm toàn xã hội phải có trách nhiệm nhưng Nhà nước phải dành nguồn lực đầu tư để bảo vệ môi trường, doanh nghiệp muốn làm dự án cũng phải bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý có thể yêu cầu các nhà sản xuất thùng rác 3 ngăn khác màu để phân loại. Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể gặp gỡ các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, đặt vấn đề cho các nhà sản xuất quan tâm; cùng với đó hình thành phong trào, đăng ký xây dựng khu phố, huyện, tỉnh kiểu mẫu về môi trường giống như phong trào xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc cụ thể hóa nhiều quy định còn giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết để có thể thực hiện được ngay./.