Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), đến ngày 08/6/2020, cả nước có hơn 38.800 đối tượng bảo trợ xã hội đã và đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, số đối tượng là người lớn, trẻ em khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%, trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm 19,3%, người già cô đơn chiếm 10,3%, còn lại là người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành và đối tượng khác. Vấn đề đáng quan tâm là từ nhiều năm nay, chính sách hỗ trợ đối với những bệnh nhân, người yếu thế đang sinh sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội vẫn không thay đổi. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh tại các trung tâm bảo trợ xã hội nên cần có sự điều chỉnh.
Đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền ăn, bổ trợ thêm loại thuốc đặc hiệu để chữa trị cho người yếu thế
Bà Phạm Thị Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hòa Bình vào làm việc tại Trung tâm từ năm 1993 với nhiệm vụ ban đầu là một bác sĩ khám và điều trị cho những người yếu thế. Gần 30 năm công tác ở Trung tâm, chị Phạm Thị Loan nhớ nhất là điều trị cho bệnh nhân lang thang ở Lào Cai. Năm 2014, khi đến đây, bệnh nhân không ý thức được việc ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh của mình và thường xuyên leo lên trần nhà, bẻ quạt, xé quần áo... nên đã được đưa vào phòng cách ly.
Các bác sĩ khám, chữa bệnh cho những người yếu thế đang sinh sống tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội III Hà Nội.
Tuy nhiên, sau 6 tháng điều trị ở đây bằng những biện pháp trị liệu, trấn an tâm lý, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã dần hồi phục, không còn xé quần áo, ăn cơm đã biết xúc bằng thìa, tự tắm giặt được. Điều đặc biệt là bệnh nhân có thể phục hồi trí nhớ nên đã nhớ địa chỉ gia đình, số điện thoại của người thân. Sau hơn 3 năm phục hồi sức khỏe tích cực, Trung tâm đã kết nối với gia đình để đưa bệnh nhân về sinh sống ổn định tại cộng đồng.
Bà Phạm Thị Loan cho biết: Đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội đa phần là người người khuyết tật, người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi và bệnh nhân thần kinh dạng thể nặng. Nếu như với người cao tuổi còn có những hạn chế về nhận thức thì có các cháu nhỏ vào Trung tâm còn chưa biết tiếng phổ thông nên rất khó khăn cho đội ngũ bác sĩ trong việc khám, chữa bệnh. Đặc biệt đối với những bệnh nhân tâm thần nặng thì hầu như có những hành vi la hét, đập phá đồ đạc gây nguy hại đến bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị ở đây, nhiều bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, có thể tự chăm sóc bản thân và làm những việc nhẹ nhàng như quét nhà, tự giặt giũ quần áo.
Mặc dù việc đảm bảo chăm sóc bệnh nhân, người yếu thế tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hòa Bình đã cải thiện nhưng so với thực tế cuộc sống còn nhiều khó khăn. Hiện tại, mức ăn dành cho những người đang sinh sống ở Trung tâm có 2 mức. Đó là trẻ từ 4 tuổi trở lên đến 60 tuổi được hưởng 810.000 đồng/người/tháng. Còn người từ trên 60 tuổi đến 80 tuổi được hưởng 1.080.000 đồng/người/tháng.
Bà Phạm Thị Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hòa Bình.
Mặt khác, hiện nay, bệnh nhân bị tâm thần đang được điều trị theo đơn thuốc chương trình của Bộ Y tế và hưởng thêm chi phí chăm sóc với mức được hỗ trợ tổng cộng là 240.000 đồng/người/năm. Tuy nhiên, các bệnh nhân đều thuộc dạng có bệnh lý nền nặng, ốm đau thường xuyên nên sức đề kháng yếu cần các loại thuốc đặc trị hơn. Để chăm sóc các bệnh nhân và những người yếu thế tốt hơn, bà Phạm Thị Loan đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền ăn, bổ trợ thêm loại thuốc đặc hiệu để chữa trị cho người yếu thế. Ngoài ra, trung tâm cũng cần là bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để thuận tiện hơn cho việc chăm sóc họ.
Nên tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế theo độ tuổi
Thực tế hiện nay, mức hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội được chia theo độ tuổi. Bà Trần Thị Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội III Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP, đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội được hưởng mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 136/2013/NĐ-CP (270.000 đồng) nhân với hệ số tương ứng đối với từng nhóm đối tượng theo quy định sau đây: Hệ số 5,0 đối với trẻ em dưới 4 tuổi; Hệ số 4,0 đối với trẻ từ 4 đến dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 60 tuổi trở lên; Hệ số 3,0 đối với người từ 16 đến đủ 60 tuổi.
Những đối tượng từ 16 đến đủ 60 tuổi (tương đương với hệ số 3) chỉ được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng, chăm sóc với số tiền tổng cộng là 1.050.000 đồng/người/tháng. Mức trợ cấp này là tương đối thấp so với các đối tượng khác nên rất khó khăn cho các trung tâm bảo trợ trong việc đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng và có đầy đủ thuốc điều trị với đơn giá lên đến hàng triệu đồng cho người có bệnh phải chăm sóc lâu dài.
Bà Trần Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội III Hà Nội.
Với những khó khăn trên, bà Trần Thị Hải đề xuất cần tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng từ 16 tuổi đến 60 tuổi lên hệ số 4,0 thay vì hệ số 3,0 như hiện nay. Đồng thời mức chi khác đề nghị tương đương hệ số 2,0 (270.000 x 2 = 540.000 đồng/người/tháng). Bên cạnh đó, đối với trẻ em tái hòa nhập cộng đồng, trong thời gian đầu tự lập, công việc của các cháu chưa ổn định, thu nhập thấp, không có chỗ ở, phải thuê nhà hoặc ở nhờ, rất khó khăn, chính vì vậy, đề nghị Nhà nước có mức hỗ trợ kinh phí cho trẻ em trong thời kỳ đầu tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho các cháu.
Chăm sóc người yếu thế cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị xã hội
Đề cập chế độ cho những người yếu thế đang được chăm sóc, sinh sống tại các Trung tâm bảo trợ xã hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, quy định về chế độ, chính sách trợ giúp xã hội và mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; về mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội; về trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, trợ giúp xã hội đột xuất, chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng và chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội. Các chế độ trợ cấp, trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng và đúng mục tiêu. Việc trợ cấp, trợ giúp được thực hiện chủ yếu tại gia đình và cộng đồng nơi đối tượng sinh sống. Mức trợ cấp, trợ giúp được thay đổi tuỳ thuộc vào mức sống tối thiểu của dân cư.
Theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội được hưởng mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP (270.000 đồng) nhân với hệ số tương ứng đối với từng nhóm đối tượng theo quy định sau đây: Hệ số 5,0 đối với trẻ em dưới 04 tuổi; Hệ số 4,0 đối với trẻ em từ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 60 tuổi trở lên; Hệ số 3,0 đối với người từ 16 tuổi đến đủ 60 tuổi; Hệ số 2,5 đối với người khuyết tật, trẻ em khuyết tật.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi thăm hỏi và động viên người yếu thế.
Bên cạnh các khoản trợ cấp hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội thuộc Nhà nước quản lý còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế; hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội; cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường và cấp vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ; cấp sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định; được hỗ trợ giáo dục, đào tạo và tạo việc làm.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương thành lập, cho phép thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc. Các cơ sở bảo trợ xã hội tổ chức tiếp nhận, chăm sóc, trợ giúp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng.
Ước tính hàng năm có hàng nghìn tỷ đồng được Nhà nước bố trí từ nguồn ngân sách dành cho các hoạt động trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có kinh phí bố trí cho hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội. Chính phủ các nước và các tổ chức, cá nhân quốc tế đã có nhiều hỗ trợ cho công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với đối tượng bảo trợ xã hội như: WHO, UNICEF, EU, SOS và các tổ chức NGOs quốc tế tại Việt Nam viện trợ không hoàn lại hàng triệu USD/năm cho công tác này ở 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành liên quan. Các tổ chức và cá nhân trong nước cũng đã có những hỗ trợ đáng kể về mặt kinh phí cho công tác trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ vì người nghèo, Quỹ bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi. Mỗi năm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đóng góp hàng chục tỷ đồng trợ giúp đối tượng.
Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến, phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Tuy nhiên, đây là công tác xã hội rất cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị xã hội, cộng đồng dân cư, gia đình để cùng Nhà nước chăm lo cho các đối tượng yếu thế thể hiện tình cảm chia sẽ của cộng đồng.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế liên quan đến những vấn đề an sinh xã hội đã có những hướng dẫn, quy định hỗ trợ đối với những người yếu thế cũng như các y, bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội chủ yếu là người khuyết tật, người già không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đa phần họ không tự phục vụ bản thân được mà cần tới sự chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên. Mặc dù họ đã được các Bộ ngành, địa phương quan tâm đến các chế độ chính sách, đề xuất lên Chính phủ nâng mức trợ cấp nhưng so với điều kiện sống thực tế thì còn hạn chế. Hiện nay, Bộ Y tế đang trình lên Chính phủ và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xem xét Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong Dự án này, các cơ quan tham mưu cho Chính phủ cần quan tâm đến đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người yếu thế ở những thang bậc khác nhau và nâng mức đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên ở từng khu vực. Đồng thời cần xây dựng các Nghị định, văn bản hướng dẫn nghiên cứu để triển khai thực hiện.
Bên cạnh những đề xuất trên, các Trung tâm Bảo trợ xã hội cũng cần chủ động gia tăng việc tự chăn nuôi, trồng trọt để có thêm nguồn lương thực phục vụ những người yếu thế. Việc chăm sóc tốt người yếu thế không chỉ là trách nhiệm của các Trung tâm Bảo trợ xã hội mà là sự chung tay của cả xã hội. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân, nhà tài trợ, nhà hảo tâm cần có nhiều các hoạt động thiện nguyện, chương trình hỗ trợ để chăm sóc những người yếu thế tại các trung tâm.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.
Đóng góp vào chăm sóc bệnh nhân và những người yếu thế tại các trung tâm bảo trợ xã hội tốt hơn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nêu quan điểm: Hiện nay, mỗi người đang được chăm sóc chỉ được thụ hưởng khoảng 900.000 đồng/tháng. Đây là mức hưởng từ năm 2010, khi mà GDP của nước ta còn thấp. Còn hiện nay, GDP của nước ta đã tăng lên và mức chi phí ở bên ngoài đã thay đổi theo hướng tăng lên nên cần có sự điều chỉnh một cách kịp thời. Việc tăng mức trợ cấp có thể nên tăng từ 1,3 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, cán bộ điều dưỡng cũng rất vất vả khi phải vừa lo đến sức khỏe, vừa đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày cho những người yếu thế cũng cần được quan tâm hơn về chế độ lương bổng, phụ cấp.
Để nâng cao đời sống của cán bộ điều dưỡng và chăm sóc cho người yếu thế được tốt hơn, ngoài kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước thì cần tăng cường hoạt động xã hội hóa. Nhà nước nên đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm bảo trợ xã hội, chứ không lấy tiền xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất. Số tiền thu hút được từ công tác xã hội hóa nên dành vào chăm lo sức khỏe, đời sống hàng ngày cho người yếu thế. Ngoài ra, hiện nay, có nhiều địa phương với nguồn thu vượt trội thì nên dành kinh phí chăm lo tốt hơn cho các trung tâm bảo trợ xã hội và những người yếu thế./.