NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA AIPA TRONG XÂY DỰNG MỘT CỘNG ĐỒNG ASEAN ĐOÀN KẾT, THỊNH VƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

07/08/2020

Tham luận tại Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững (AIPA-ECC), ông Zaw Thein, Chủ nhiệm Ủy ban Hỗn hợp AIPA, Hạ viện Myanmar đánh giá cao sáng kiến và chủ đề hội nghị của Việt Nam, đồng thời khẳng định hội nghị sẽ gia tăng vai trò của AIPA trong xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, thịnh vượng và phát triển bền vững.

 

Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững (AIPA-ECC)

Chủ nhiệm Ủy ban Hỗn hợp AIPA (Hạ viện Myanmar) Zaw Thein tin tưởng, với chủ đề vì sự phát triển vững, Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy các hoạt động của AIPA nói chung và nâng cao vai trò của AIPA trong việc xây dựng một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, đoàn kết, thống nhất, thịnh vượng và phát triển bền vững. Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa ở mọi cấp độ cần hỗ trợ tiến trình xã hội hóa hướng đến việc học tập suốt đời và phát triển bền vững.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Hỗn hợp AIPA Zaw Thein chúng ta cần bảo đảm sự bền vững trên mọi phương diện, bao gồm tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển bền vững trong mọi khu vực. Chúng ta phải biến khủng hoảng Covid-19 thành cơ hội đối với Cộng đồng ASEAN. Nhân dịp này, ASEAN cần tăng cường hơn nữa “Không gian chung về giáo dục đại học và giáo dục số và các phương pháp giáo dục mới”.

Chia sẻ thông tin liên quan đến đóng góp và ủng hộ của các nghị sĩ nghị viện Myanmar trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Hỗn hợp AIPA Zaw Thein cho biết, Nghị viện Myamar cam kết và thúc giục các bộ ngành liên quan thực hiện: Tạo các cơ hội học tập cho mọi công dân được hưởng quyền được học và các cơ hội học tập suốt đời; Sử dụng công nghệ hiện đại để tiếp thu nền giáo dục chất lượng quốc tế, và khuyến khích việc xây dựng một Kế hoạch hành động của ASEAN về giáo dục cho giai đoạn 2021 – 2025.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Hỗn hợp AIPA Zaw Thein, các nước thành viên ASEAN cần tận dụng các công cụ quản lý du lịch và di sản hiện có, ví dụ như công cụ Đánh giá quản lý khách du lịch của UNESCO (VMA) để bảo đảm việc bảo vệ các giá trị di sản, và tăng cường giá trị của du lịch ở các địa danh và cộng đồng địa phương. Quốc hội Myanmar hoàn toàn ủng hộ Kế hoạch chiến lược ASEAN về văn hóa và nghệ thuật 2016 - 2025 và các chương trình trao đổi văn hóa trong ASEAN.

Chủ nhiệm Ủy ban Hỗn hợp AIPA Zaw Thein cũng cho biết, một số khu vực Di sản thế giới tại Myanmar đã bị tác động bởi cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Bagan là di tích đã được UNESCO công nhận là khu Di sản Thế giới vào tháng 7 năm 2019. Khu vực này luôn đông kín khách hành hương và khách tham quan, nhưng nay hầu như không có du khách trong suốt hai tháng qua do dịch Covid-19. Tám ngôi chùa ở Bagan đã bị kẻ trộm đột nhập và lấy đi nhiều di vật quý hồi tháng 6 năm 2020.

Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Ủy ban Hỗn hợp AIPA Zaw Thein nhấn mạnh: AIPA cần tăng cường việc bảo vệ các khu di sản trong ASEAN và khuyến khích các phương thức sáng tạo nhằm thu hút khách tham quan tới du lịch di sản trong khi đại dịch Covid-19 còn diễn ra, như việc bố trí các biện pháp kiểm tra Covid-19 hay các phương tiện cách ly cho du khách. ASEAN cần tìm kiếm những bước đi sáng tạo để tạo ra một ngành kinh doanh du lịch di sản với phương tiện vật chất được nâng cấp và hỗ trợ các cộng đồng trong đại dịch Covid-19./.

Trọng Quỳnh