LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

07/08/2020

Trong Hồ sơ sự án Luật trình tại phiên họp thẩm tra sơ bộ do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS.

 

Toàn cảnh phiên họp thẩm tra sơ bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS

Về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, Pháp luật về bình đẳng giới có quy định chung về lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo Điều 21 Luật Bình đẳng giới năm 2006, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, chuẩn bị báo cáo việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo các nội dung: Xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh; Dự báo tác động của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành đối với nữ và nam; Xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết các vấn đề giới trong phạm vi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Về xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, năm 2017, UNWOMEN, cơ quan Liên Hợp quốc hoạt động về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đã phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tiến hành Đánh giá giới trong ứng phó với HIV/AIDS tại Việt Nam. Trên cơ sở báo cáo này Bộ Y tế đã xác định các vấn đề về giới trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Các nội dung được xem xét gồm: Hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS không có ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo bình đẳng giới; đảm bảo quyền được điều trị ARV đối với tất cả người nhiễm HIV; xung đột pháp lý liên quan đến triển khai hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, những người nghiện ma túy; vấn đề tiếp cận thông tin người nhiễm HIV.

Về dự báo tác động của các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành đối với nữ và nam, cơ quan soạn thảo nêu rõ, đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS trong đó bao gồm hai chính sách sẽ có một số tác động gián tiếp tạo thuận lợi hơn cho thúc đẩy vấn đề giới, cụ thể như sau:

Chính sách 1, Bổ sung một số nhóm người được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, bao gồm những cán bộ làm công tác giám sát dịch HIV/AIDS, cán bộ bảo hiểm y tế trực tiếp kiểm tra giám sát hồ sơ, thanh quyết toán bảo hiểm y tế, một số cán bộ y tế nơi người nhiễm HIV trực tiếp khám và điều trị tham gia vào các khâu thủ tục hành chính, quản lý phần mềm bệnh viện. Chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các cán bộ phòng, chống HIV/AIDS các cấp tổng hợp, phân tích, đánh giá nguy cơ lây nhiễm HIV theo khu vực địa lý, nhóm tuổi, giới tính, xác định các nhóm đối tượng, giới nào chưa được tham gia điều trị, hỗ trợ thúc đẩy điều trị sớm đảm bảo sức khỏe cho người nhiễm HIV, dự phòng lây nhiễm HIV từ những người nhiễm HIV sang cho vợ, chồng, bạn tình, bạn chích chung của họ. Tuy nhiên, một số ý kiến quan ngại về việc các nhân viên y tế có thể làm lộ thông tin của người nhiễm HIV, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Những lo ngại này hoàn toàn đúng, nhưng các quy định của luật phòng, chống HIV/AIDS hiện tại đã quy định việc bảo mật thông tin người nhiễm đối với người có thông tin người nhiễm HIV. Do vậy, cần nâng cao việc tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm giám sát dịch tễ HIV/AIDS, có các thiết chế để đảm bảo những người này thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Chính sách 2, Đảm bảo quyền được tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của tất cả nhóm đối tượng. Chính sách này nhằm điều chỉnh một số quy định của Luật để đảm bảo những người có nguy cao lây nhiễm HIV và người nhiễm HIV dễ tiếp cận với dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, trong đó đối tượng hưởng lợi nhiều thuộc về phụ nữ, các nhóm yếu thế và trẻ em. Quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV miễn phí trước đây được quy định rõ hơn các nguồn lực để làm xét nghiệm miễn phí, phụ nữ mang thai và trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được đề xuất sử dụng các nguồn kinh phí để mua thuốc điều trị miễn phí, đảm bảo tính sẵn có ở các tỉnh để khi phát hiện phụ nữ nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ phụ nữ mang thai được điều trị ngay nhằm giảm khả năng lây nhiễm HIV. Bổ sung chính sách cấp thuốc miễn phí điều trị ARV cho người nhiễm HIV trong các nhà giam, nhà tạm giam là những người thuộc nhóm yếu thế. Điều chỉnh giảm tuổi xét nghiệm HIV cho trẻ vị thành niên quy định như hiện nay là 16 tuổi thành từ 15 tuổi trở lên không cần sự đồng ý của bố mẹ, người giám hộ khi tham gia xét nghiệm HIV sẽ thuận lợi cho triển khai xét nghiệm HIV cho trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV phù hợp với bối cảnh hiện nay. Các chính sách này đảm bảo sự bình đẳng tiếp cận dịch vụ xét nghiệm cho phụ nữ mang thai và trẻ em, đặc biệt các tiếp cận cho phụ nữ và trẻ em ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, những nơi đi lại khó khăn, rất ít các dự án quốc tế hỗ trợ, vì vậy đây là cơ hội tăng quyền bình đẳng tiếp cận dịch vụ cho phụ nữ, trẻ em giữa các vùng miền khác nhau.

Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ, kết luận một số nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng dự án Luật, mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật như Tờ trình. Đánh giá về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật, một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng dự thảo Luật cơ bản phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013, tuy nhiên, cần nghiên cứu, rà soát một số quy định trong dự thảo có liên quan đến quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người… để có thể chỉnh lý phù hợp, đảm bảo tính hợp hiến của dự Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban nêu rõ, đối với các quy định liên quan đến việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV/AIDS, một số ý kiến cho rằng nội dung này có ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của người nhiễm. Theo đó, việc bảo mật thông tin có ý nghĩa giúp người bệnh tránh khỏi sự kỳ thị, phân biệt đối xử, nhưng cũng cần xem xét mức độ bảo mật để bảo đảm an toàn cho những người tiếp xúc gần, người chăm sóc cho bệnh nhân, vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét kỹ lưỡng nội dung này sao cho đảm bảo chức năng quản lý nhà nước, nhưng vẫn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh, và phù hợp với khuyến nghị quốc tế./.

Hồ Hương