ĐBQH BẾ MINH ĐỨC: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ GIẢI PHÁP QUY HOẠCH ĐIỆN LỰC THÔN, BẢN CHƯA CÓ ĐIỆN

30/05/2020

Hiện cả nước vẫn còn 31 xã chưa có điện lưới quốc gia; vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện của cả vùng mới đạt 93,9%. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con vùng sâu, vùng xa. Trong bối cảnh đó, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về giải pháp quy hoạch điện lực đối với thôn bản chưa có điện.

 

Hiện thực hoá mục tiêu thắp sáng mọi miền tổ quốc

Đây là những hình ảnh chúng tôi ghi nhận được khi người dân bản Mo 1, Mo 2 và Mo 3 (xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đón dòng điện lưới quốc gia đầu tiên về tới từng hộ dân năm 2019 vừa qua.

Điện đã dần về với các thôn bản vùng cao

Ông Giàng Seo Chúng, thôn Mo 1 vui mừng chia sẻ: Trước không có điện lưới bà con ba bản chủ yếu sử dụng điện nước bé bé. Ba, bốn hộ chung một máy khi về đến nhà chỉ được một bóng thắp sáng. Nay được Đảng và Nhà nước quan tâm nhân dân rất phấn khởi, tiến tới chắc chắn bà con nhân dân sẽ phát triển kinh tế - xã hội.

Xã Xuân Hòa với gần 200 hộ dân thuộc các dân tộc Mông, Dao, Phù Lá với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên tới gần 100%, việc điện lưới quốc gia về tới từng gia đình là có cơ hội giúp người dân tiếp cận với thông tin đại chúng nhanh hơn và cũng là cơ hội để người dân áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào trong cuộc sống. Qua đó, thúc đẩy sản xuất phát triển kinh tế xã hội, tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Ông Bàn Văn Tòng, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai bày tỏ: Ánh sáng đến cả ba thôn, chúng tôi rất vui. Cảm ơn Đảng, Nhà nước rất nhiều và tôi tin rằng có điện rồi chúng tôi sẽ phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn so với mọi năm trước đây.

Ðưa điện về thôn, bản vùng cao là một kỳ công khi các thôn chon von trên sườn núi. Tuy nhiên, nhằm mang theo ánh sáng văn hóa, bà con được tiếp cận với khoa học, công nghệ mới, phát huy các tiềm năng kinh tế của các địa phương, đồng thời giúp thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, Đảng, nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Điện lực các tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp tiền của, công sức tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng lưới điện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là việc mở rộng kéo điện đến các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện đặc biệt khó khăn nhằm thực hiện chủ trương xóa điểm trắng điện theo Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó hàng loạt các dự án đưa điện lưới quốc gia ra về vùng sâu, vùng xa đã mang lại khí thế mới, sức sống mới cho bà con. Cái đói, cái nghèo và lạc hậu đã dần dần lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là cuộc sống đang từng ngày khởi sắc, ấm no.

Người dân vùng cao vui mừng đón ánh điện vào nhà 

Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Đời sống kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thì có nâng lên một cách rất rõ rệt, diện mạo buôn làng đổi mới, đời sống khá lên nhưng thực ra mà nói so với yêu cầu chung thì đời sống đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ có điện, cuộc sống của bà con đã thay da đổi thịt, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Việc hiện đại hóa điện lưới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là cả chặng đường nhiều gian nan bởi địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, người dân sống thưa thớt. Song vì nguồn sáng văn hóa, điện lưới quốc gia không chỉ lan tỏa khắp thôn, bản hẻo lánh xa xôi của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa mà còn vươn xa ra hải đảo, các huyện đảo của mọi miền tổ quốc như: Cô Tô (Quảng Ninh), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang), huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa)... Ðến nay, 100% số xã đảo trên toàn quốc đã có điện, tạo cơ sở, động lực cho các huyện đảo có sự bứt phá mạnh trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống dân sinh, đồng thời phục vụ cho mục tiêu bảo đảm, củng cố an ninh, quốc phòng cho vùng biển, đảo.

Năm 2020: Chưa đảm bảo tiến độ đưa điện về miền núi

Theo thống kê, đến nay cả nước vẫn còn 31 xã chưa có điện lưới quốc gia; Vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn hơn 3.400 thôn, bản chưa có đường điện hạ thế, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện của cả vùng mới đạt 93,9%, còn 1.422 thôn, bản chưa có điện và phải sử dụng dầu và các nguyên liệu khác để thắp sáng. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con vùng sâu vùng xa.

Xóm Lũng Chàm là một trong những xóm vùng cao khó khăn nhất của xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Xóm có 3 cái không, không đường, không điện và không nước sạch. Cuộc sống người dân nơi đây còn rất khó khăn.

Xóm Lũng Chàm có 35 hộ dân với 215 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao, 100% hộ là hộ nghèo. Người dân trong xóm chia làm 8 điểm nhóm sống rải rác trên các đỉnh núi, không có diện tích đất canh tác, bà con chỉ trồng được một loại cây lương thực là cây ngô, tận dụng những khoảnh đất nhỏ xen lẫn giữa những tảng đá tai mèo lởm chởm.

Đời sống người dân nơi đây hoàn toàn phụ thuộc vào trồng trọt và chăn nuôi nhưng do thời tiết khắc nghiệt, quanh năm rét lạnh sương mù, không có đất sản xuất cộng với trình độ dân trí thấp, đa số người dân không biết chữ nên việc tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, làm cho cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám người dân nơi đây. Ở xóm có một điểm trường tiểu học có 2 lớp học với tổng số 14 học sinh. Con đường đến trường của các em cũng rất khó khăn, chỉ có vài nhà gần trường, còn lại đa số các em phải đi bộ vài cây số để đến lớp. Trong lớp học thường không đủ ánh sáng do điểm trường chưa có điện, cửa sổ thì không mở được do thời tiết nhiều sương mù, mở ra rất lạnh.

Hàng trăm bản làng ở vùng cao chưa một ngày có điện

Ông Hà Sỹ Đồng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị bày tỏ: Một số địa bàn miền núi vùng sâu vùng xa, có nhiều thôn bản chưa có điện và thậm chí có thôn bản có điện nhưng nhiều nơi còn xuống cấp, nhất là về mùa mưa bão dễ gây tai nạn cho người dân nên tôi kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công thương - cơ quan chủ quản chương trình này, có đề án trình Chính phủ xem xét bố trí nguồn lực vào giai đoạn 2020-2025 để làm sao đó phủ sóng điện phục vụ người dân cũng như khắc phục sửa chữa một số công trình đã xuống cấp ở vùng sâu vùng xa, vùng mất an toàn trong mùa mưa lũ để cho người dân yên tâm sản xuất cũng như kết nối trong vùng nguyên liệu với nhau dể xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây luôn tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóm không có người mắc tệ nạn xã hội, tình làng nghĩa xóm chan hòa, thuần phong mỹ tục được gìn giữ, phát huy. Mong rằng thời gian tới, xóm Lũng Chàm sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ các cấp chính quyền và cộng đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường điện và nước sinh hoạt, giúp người dân ổn định và cải thiện chất lượng đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn...  

Việc hoàn thành tiêu chí điện không chỉ bảo đảm nâng cao tỷ lệ phủ điện cho các hộ chưa có điện mà còn tập trung cho cải tạo, nâng cấp lưới điện hiện có để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật an toàn. Tuy nhiên, hệ thống truyền tải điện tại các địa phương đã xuống cấp hay còn tạm bợ, thô sơ được dựng lên từ những cột điện bằng gỗ, tre đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, không đảm bảo an toàn cần tiến tới thay thế để dòng điện thực sự đánh thức tiềm năng của các địa phương. Để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030, thì vấn đề giải pháp quy hoạch điện lực toàn diện đối với các thôn bản cũng đang đặt ra nhiều vấn đề.

Kiến nghị giải pháp tiếp tục đưa điện về thôn bản khó khăn giai đoạn 2020-2025

Việc đưa điện lưới Quốc gia đến với từng hộ dân đã tạo động lực cho các chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện công bằng xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tạo điều kiện cho người dân ở khu vực nông thôn miền núi chuyển đổi cơ cấu sản xuất, từng bước cải thiện và thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế xã hội trong vùng và giữa các vùng một cách bền vững. Tuy nhiên vẫn còn 3.400 thôn, bản chưa có đường điện hạ thế, 1.400 thôn, bản chưa có điện và phải sử dụng dầu và các nguyên liệu khác để thắp sáng đang là thách thức không nhỏ đối với Bộ công thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Trước thực tế đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Nội dung chất vấn của đại biểu nêu rõ:Theo đánh giá được nêu tại đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi thì vùng dân tộc thiểu số miền núi cơ bản là vùng đầu nguồn sinh thuỷ, có nhiều sông, suối cung cấp nước cho các thuỷ điện, nhà máy thuỷ điện. Tuy nhiên, hiện nay cả nước vẫn còn 31 xã chưa có điện lưới, vùng dân tộc thiểu số miền núi vẫn còn hơn 3.400 thôn bản chưa có đường điện hạ thế. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện cả vùng mới đạt 93,9%, còn 1.422 thôn bản chưa có điện. Xin bộ trưởng cho biết giải pháp nào để sớm khắc phục khó khăn về điện đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi và theo quy hoạch phát triển điện lực đến khi nào toàn bộ các thôn bản hiện chưa có điện sẽ có điện lưới”.

Nay sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có phần giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định: Đây là dự án rất quan trọng của Đảng và nhà nước quan tâm đầu tư, mục tiêu hướng tới là cung cấp điện lưới quốc gia cho hơn 9.000 thôn, bản thôn còn khó khăn trong cả nước với tổng kinh phí đầu tư hơn 30 nghìn tỷ đồng. Thời gian qua, Bộ công thương đã tham mưu cho chính phủ để xây dựng kế hoạch cung ứng vốn cho những dự án này bao gồm nguồn vốn trong nước và quốc tế. Trong các nguồn vốn đó chúng ta trông chờ vào hệ thống tín dụng ngân hàng thế giới và liên minh châu âu với quy mô lên tới 24 nghìn tỷ đồng và phần còn lại là của các nguồn lực khác. Tính đến nay, xét cả về tiêu chí vốn cũng như các chỉ tiêu của dự án, chỉ có hơn 10% các chương trình đầu tư của đề án thực hiện và hơn 18% nguồn vốn được giải ngân. Bộ Công Thương đã trực tiếp làm việc với Ngân hàng thế giới, liên minh Châu âu tìm nguồn hỗ trợ tín dụng ưu đãi. Đến nay số tiền huy động lên tới hơn 24 nghìn tỷ đồng để triển khai các hợp phần của dự án này. Tuy nhiên, đến năm 2020 đề án này cũng không thể đảm bảo đúng tiến độ.  

Bộ trưởng cho biết: “Liên quan tới dự án điện nông thôn, cái vướng mắc trong trần nợ công, viêc huy động vốn từ các nguồn tín dụng của các tổ chức tài chính quốc tế thì đã chậm trễ, đã bị huỷ. Bây giờ, hiện nay thì báo cáo với Quốc hội và Chính phủ, ngành công thương vẫn tiếp tục đàm phán và đã thu xếp xong nguồn vốn của hai tổ chức là Ngân hàng thế giới và Liên minh Châu Âu, mong Chính phủ và Quốc hội cho phép căn cứ trên trần nợ công có xem xét cho phép sử dụng các nguồn tín dụng vay từ các tổ chức tài chính quốc tế này để tiếp tục triển khai thực hiện. Và như vậy thì cần phải có kế hoạch thông qua và điều chỉnh nội dung để kéo dài giai đoạn thực hiện từ 2021 tới năm 2025 để đảm bảo yêu cầu và mục đích của  chương trình”.

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương có thể thấy Chính phủ và Quốc hội đã có những nỗ lực để thực hiện giảm an toàn trần nợ công xuống để đề án đã có những cơ sở để đảm bảo thuận lợi hơn cho việc triển khai thực hiện. Chính phủ, Bộ đã nhìn nhận được vấn đề và có những giải trình cụ thể liên quan tới giải pháp đầu tư, huy động nguồn vốn, kiến nghị xem xét kế hoạch thông qua và điều chỉnh nội dung để kéo dài giai đoạn thực hiện từ 2021 tới năm 2025 để đảm bảo yêu cầu và mục đích của  chương trình.

Vậy giải pháp cụ thể, sự vào cuộc của Bộ Công thương, Chính phủ, Quốc hội sẽ được thực hiện như thế nào? Đại biểu kỳ vọng gì vào những giải pháp thực tế của ngành Công thương đưa ra trong thời gian tới? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tinh Cao Bằng về vấn đề này.

 Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Phóng viên: Xuất phát từ thực tế nào, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương?

Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Nghiên cứu báo cáo và quá trình công tác và cũng từ thực tế của địa phương Cao Bằng, một tỉnh miền núi biên giới, tỉnh đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất. Từ báo cáo của Chính phủ và từ báo cáo của địa phương, thực tế địa phương, tôi đã quan tâm tới vấn đề cấp điện cho nông thôn, miền núi của Chính phủ, trong đó Bộ công thương là đơn vị chủ trì chính.

Tại kỳ họp vừa rồi, trong chương trình chất vấn, tôi đã thay mặt cử tri Cao Bằng gửi vấn đề quan tâm của cử tri Cao Bằng đến với Bộ công thương. Riêng Cao Bằng hiện nay còn khoảng 11% hộ gia đình chưa có điện, trong đó huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm là những huyện khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng. Huyện Bảo Lạc vẫn trên 30% số hộ chưa có điện. Huyện Bảo Lâm gần 48 % số hộ chưa có điện, mới có hơn 6.000 hộ trên tổng số gần 13.000 hộ của huyện Bảo Lâm. Huyện Bảo Lâm cũng là huyện khó khăn, vùng sâu vùng xa của tỉnh Cao Bằng.

Phóng viên: Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu. Quan điểm của đại biểu về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng?

Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Tôi cũng chia sẻ với Bộ Công thương, với Chính phủ, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đầu tư cho nông thôn, miền núi nói chung, trong đó có điện nông thôn. Từ chương trình của Chính phủ, từ Quyết định 1840/ QĐ- TTg giai đoạn 2013 -2020, sau đó điều chỉnh bằng Quyết định 1740/ QĐ- CP tháng 12/2018, trong đó đặt chương trình mục tiêu về cấp điện nông thôn, miền núi giành một nguồn lực rất lớn, hơn 30.000 tỷ từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện do nợ trần, nợ công của chúng ta cũng đã cao và nguồn lực dành cho chương trình cấp điện cho nông thôn, miền núi cũng ít, hạn chế.

Trong báo cáo của Chính phủ, trong tổng số hơn 30.000 tỷ từ các nguồn khác nhau thì mới dành được khoảng 5.000 tỷ và các nguồn đối ứng địa phương. Cao Bằng là tỉnh khó khăn, rất hạn chế về nguồn đối ứng, các nguồn vay chưa thực hiện được, nguồn vốn thiếu hơn 20.000 tỷ nữa để hoàn thành được mục tiêu. Như trong báo cáo nêu thì còn rất nhiều vùng, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số hiện nay chưa có điện. Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ phục vụ cho đề án phát triển tổng thể kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi còn 789 thôn bản hiện nay có sử dụng thắp sáng dùng nhiều loại nhiên liệu khác nhau. Trong đó, có cả thuỷ điện nhỏ mà người dân mua hoặc sử dụng không an toàn và trên 900 thôn bản hiện nay cũng chưa có điện thắp sáng.

Phóng viên: Trong nội dung trả lời chất vấn, Đại biểu có đánh giá gì về các giải pháp mà ngành công thương đã và đang thực hiện?

Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Bộ trưởng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tích cực tham mưu cho Chính phủ sử dụng các nguồn vay từ ngân hàng thế giới, liên minh Châu Âu để thực hiện chương trình nông thôn, miền núi theo Quyết định 1740. Và đồng thời huy động thêm nhiều nguồn lực xã hội để quan tâm đầu tư. Tôi nghĩ rằng, thời gian tới, ngoài sự quyết liệt ra thì Bộ Công thương cần ngoài sự tham mưu tích cực ra thì có thêm giải pháp, huy động nhiều nguồn lực, dành nguồn vốn lớn hơn, đầu tư cấp điện cho nông thôn miền núi. May ra chúng ta mới thực hiện đạt mục tiêu. Và chúng tôi cũng được biết là Bộ Công thương cũng đã tiếp tục đề xuất với Chính phủ kéo dài thời gian chương trình cấp điện nông thôn miền núi thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Phóng viên: Đánh giá của Đại biểu về việc triển khai đề án ở vùng dân tộc thiểu số miền núi nơi có nhiều sông, suối cung cấp điện?

Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Cao Bằng có độ che phủ rừng rất tốt, trên 55%, có nhiều sống suối thuận lợi trong việc phát triển các thuỷ lợi nhỏ, điển hình như huyện Bảo Lâm. Huyện Bảo Lâm là huyện khó khăn nhưng mà số hộ chưa có điện là cao nhất. Đồng thời cũng là huyện có nhiều thuỷ điện nhất. Hiện nay 4 thuỷ điện đã vận hành. Cao Bằng thì cấp uỷ chính quyền quan tâm chỉ đạo và giành nguồn lực. Năm nào ở địa phương cũng có các dự án điện đầu tư, tuy nhiên do còn nhiều khó khăn, xuất đầu tư lớn, nhưng mỗi năm cũng chỉ được vài trăm hộ. Nên việc thực hiện mục tiêu cũng đang rất khó khăn. Hiện nay, do có lợi thế là nhiều sông suối, nguồn nước thuận lợi nên việc đầu tư các thuỷ lợi nhỏ, thu hút thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư khác để xây dựng thuỷ điện. Thời gian tới, với sự quan tâm của ngành điện lực cũng như phát huy các lợi thế của thuỷ điện đã được đầu tư, chương trình cấp điện nông thôn cho tỉnh Cao Bằng sẽ sớm đạt được mong muốn.

Phóng viên: Theo Đại biểu, thời gian tới, ngành Công thương cần có những giải pháp và quy hoạch nào để giải quyết những vấn đề đại biểu nêu?

Đại biểu Bế Minh Đức, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng: Tôi cũng đồng tình giai đoạn này chúng ta khó khăn về nguồn lực, để thực hiện đạt được chương trình ngay thì cũng tương đối khó khăn. Bộ Công thương đề xuất để giai đoạn tiếp theo. Và cũng hy vọng giải pháp thì cũng tăng cường về nguồn lực, nguồn đầu tư công có thể chúng ta chưa đáp ứng thì các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ ngân hàng thế giới, liên minh Châu. Âu và cá tổ chức quốc tế khác để đầu tư cấp điện cho nông thôn miền núi. Cần có sự rà soát để xây dựng khai thác thuỷ điện vừa và nhỏ ở vùng nông thôn miền núi có nguồn sông suối dồi dào. Tất nhiên, trong đầu tư xây dựng cần phải có tính toán tới nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tác động tới môi trường của từng địa phương để tăng cường nguồn cung ứng điện cho nông thôn, miền núi. Đồng thời, cũng là tạo ra cơ hội tốt từ việc làm cho tới phát huy từ các công trình đầu tư về hạ tầng cho người dân có điều kiện phát huy đời sống kinh tế ổn định và thuận lợi hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2081/ QĐ- TTg phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 ngày 8/11/2013 nhằm tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi, góp phần cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển trong vùng và giữa các vùng một cách bền vững, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Mục tiêu Chương trình đưa điện lưới quốc gia đến năm 2015 về cơ bản các xã trên toàn quốc đã có điện đưa đến trung tâm xã, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn đều có điện. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 1.400 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, trong đó phần lớn là những hộ gia đình cận nghèo và nghèo. Do vậy, việc đẩy mạnh phát triển hệ thống lưới điện quốc gia là cần thiết hơn bao giờ hết để người dân có cơ hội nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất. Người dân mở ra nhiều hi vọng hơn về một cuộc sống mới thoát khỏi cái đói, cái nghèo đã từng đeo bám nhiều thế hệ người dân vùng cao, biên giới hải đảo./.

Kim Yến