ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN ĐỀ XUẤT 4 KHUYẾN NGHỊ ĐỂ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM VÀ LIÊN MINH CHÂU ÂU

29/05/2020

Tham gia đóng góp ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đề xuất 4 khuyến nghị để thực hiện Hiệp định một cách hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội và thiết thực với người dân.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội về việc Quốc hội sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu cũng như thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, cùng với các nước thành viên trong Liên minh Châu Âu.


Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc sớm thông qua hai Hiệp định trên sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích. Thứ nhất là sẽ thúc đẩy thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu chiếm khoảng 11% trong tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu là 41,7 tỷ USD, chiếm 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Khi hiệp định này được ký kết thì các dòng thuế sẽ tiến về 0%, do đó sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam có điều kiện đi vào thị trường Châu Âu nhiều hơn.

Thứ hai, khi Hiệp định được ký kết thì người dân, doanh nghiệp Việt sẽ có điều kiện tiếp cận các hàng hóa và máy móc thiết bị với giá cả phải chăng và chất lượng tốt. Đặc biệt là  phụ nữ nước ta có thể tiếp cận được hàng hóa, mỹ phẩm của châu Âu với giá cả và thuế ưu đãi. Trong tình hình hiện nay, chúng ta thấy rằng, khi Hiệp định thương mại cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư được ký kết sớm với Châu Âu thì chúng ta sẽ thu hút được một dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Châu Âu. Đặc biệt là cơ hội cho Việt Nam chuyển khỏi các thị trường như Trung Quốc để tìm một thị trường khác.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã thu hút được khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký là 370 tỷ USD, nhưng khu vực Châu Âu đến với Việt Nam chỉ mới khoảng 2.500 dự án và số vốn đầu tư còn rất khiêm tốn, khoảng 27,5 tỷ USD. Cho nên, việc thông qua Hiệp định này sẽ giúp chúng ta có điều kiện tiếp cận được các nhà đầu tư với công nghệ hiện đại đến từ châu Âu.

Hiệp định EVFTA bàn rất nhiều về nội dung phải cải cách thể chế, cho nên sẽ thúc đẩy chúng ta sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng như đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn.

Tuy nhiên, thị trường châu Âu là một thị trường rất khó tính, GDP bình quân đầu người của châu Âu trên 33.000 USD và thị trường này yêu cầu chất lượng hàng hóa rất cao, cho nên nó sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp hơn và hồ sơ, sổ sách cũng minh bạch hơn để chúng ta có thể hưởng được các chế độ thuế quan từ hiệp định này.

Để thực hiện Hiệp định EVFTA một cách hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội, thiết thực với cuộc sống của người dân, đại biểu Trần Hoàng Ngân đưa ra 4 khuyến nghị. Thứ nhất là công tác tuyên truyền, chúng ta thấy rõ ràng là trong thời gian  qua, Việt Nam ký kết 12 Hiệp định FTA và năm 2019 có Hiệp định CPTPP, nhưng trong công tác tuyên truyền của chúng ta đến với doanh nghiệp thì hầu như rất ít người hiểu về việc có thể tận dụng được Hiệp định này, cho nên chúng ta cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền. Mặc dù, Bộ Công Thương và các ngành đã có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, nhưng chúng ta nên phân ra những chủ đề, ngành hàng, nhóm đối tượng cụ thể. Chúng ta không chỉ tuyên truyền cho doanh nghiệp hiểu mà trong bộ máy quản lý nhà nước, các cơ quan quản lý, đội ngũ cán bộ cũng phải hiểu để tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận được lợi thế của các Hiệp định này.

Thứ hai, trong Hiệp định EVFTA có những quy định rất chặt chẽ cho nên việc chúng ta cụ thể hóa thành những văn bản để cho doanh nghiệp dễ thực hiện là việc làm rất cần thiết.

Thứ ba, các nước châu Âu hiện nay đang gặp khó trong vấn đề đối phó với đại dịch Covid-19 nên từ tháng 4/2020, Việt Nam tiếp cận với thị trường châu Âu rất khó khăn, thậm chí có nhiều đơn hàng bạn đã trì hoãn. Cho nên, trong thời điểm này, chúng ta nên duy trì các mối quan hệ và Chính phủ nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp để duy trì xúc tiến thương mại, có thể thông qua xúc tiến trực tuyến. Dù khó khăn đến đâu đi nữa thì những khách hàng cũ của chúng ta ở tại thị trường châu Âu phải giữ gìn và phát huy. Bởi vì, nếu không thì sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở Châu Âu, chúng ta sẽ mất các khách hàng. Cho nên đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các cơ quan hữu quan cần sớm hỗ trợ doanh nghiệp để duy trì các mối quan hệ cũ và sau này chúng ta có điều kiện triển khai hợp tác nhiều hơn.

Thứ tư, là nội dung về hoàn thiện thể chế. Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu cũng như Hiệp định Bảo hộ đầu tư, kể cả Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện lại các văn bản luật pháp trước đây. Cho nên, việc Chính phủ cũng như Quốc hội cần phải xây dựng một lộ trình làm sao đồng bộ nhất là trong việc hoàn thiện sửa chữa hệ thống luật pháp để cho việc triển khai được thuận lợi hơn./.

Bích Lan

Các bài viết khác