Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không nên mở rộng chính sách cho thanh niên với một số nhóm đối tượng khác. Nhóm thanh niên là người yếu thế, khuyết tật, bị nhiễm HIV cần được đưa vào những Luật khác, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Đề cập chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trong Báo cáo về Một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày nêu rõ: Một số ý kiến cho rằng, các chính sách quy định trong dự án Luật còn chung chung, thiếu tính đặc thù, chưa sát với thực tế, không mang tính quy phạm, chưa tạo động lực cho thanh niên.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo về Một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Một số ý kiến khác nhận định, các quy định về chính sách đối với thanh niên trong Dự thảo trùng lắp với các chính sách đã được các luật chuyên ngành quy định. Do vậy, cần nhóm các chính sách tương ứng với mục tiêu của Nhà nước đối với thanh niên như nhóm chính sách phát triển thanh niên, nhóm chính sách bảo vệ thanh niên, nhóm chính sách phúc lợi xã hội cho thanh niên hoặc nhóm chính sách khơi dậy tinh thần tình nguyện, cống hiến của thanh niên.
Một số ý kiến đề xuất các chính sách cụ thể cho các đối tượng thanh niên đặc thù như: chính sách tín dụng sinh viên; chính sách học bổng khuyến khích phát triển tài năng; chính sách vay vốn khởi nghiệp sáng tạo; chính sách cho lao động trẻ là công nhân; chính sách chiến sĩ trẻ dũng cảm; chính sách ưu đãi cho những sĩ quan, quân nhân thanh niên công tác tại địa bàn và công việc đặc thù, công nghệ cao hay độc hại.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban đã làm việc với với các cơ quan có liên quan thống nhất chỉnh lý, bổ sung dự án Luật theo hướng: Không quy định các chính sách cụ thể để tránh trùng lắp, chồng chéo với các luật chuyên ngành; dành hẳn một chương gồm 14 điều với nội dung quy định về các định hướng chính sách cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong các lĩnh vực như: học tập và nghiên cứu khoa học; lao động và việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc. Những quy định này thể hiện cam kết pháp lý của Nhà nước trong việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách đối với thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Thanh niên 2005, căn cứ vào yêu cầu của tình hình mới và để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, chính sách dành cho các nhóm thanh niên đặc thù trong Dự án được xây dựng bao gồm chính sách dành cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; thanh niên dân tộc thiểu số; thanh niên xung phong; thanh niên tình nguyện; thanh niên có tài năng; thanh niên làm việc tại khu công nghiệp; thanh niên khuyết tật; thanh niên nhiễm HIV, thanh niên sau cai nghiện ma túy, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Các nhóm chính sách này được thiết kế theo hướng nhấn mạnh chính sách phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng nhóm thanh niên tài năng; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, bảo đảm chế độ, chính sách cho nhóm thanh niên xung kích, đồng thời không bỏ nhóm thanh niên yếu thế, dễ bị tổn thương ở lại phía sau.
Việc quy định chính sách của Nhà nước đối với thanh niên như Dự án một mặt giúp thanh niên nhận thức và tin tưởng Nhà nước luôn cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, họ tiếp cận trách nhiệm với tâm thế đảm nhận trọng trách chứ không phải là gánh nặng. Mặt khác, các nhóm thanh niên đặc thù cũng nhận thức được sự quan tâm thoả đáng của Nhà nước đối với họ.
Thêm vào đó, với mục đích thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước dự án Luật còn quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên (Điều 5) trong đó xác định rõ các yêu cầu cơ bản như: bảo đảm mục tiêu phát triển thanh niên; bảo đảm quyền tham gia của thanh niên trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách của Nhà nước…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến về vấn đề chính sách cho thanh niên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá cao sự phối hợp của cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật vì đã nêu được những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau đối với thanh niên. Theo Chủ tịch Hà Ngọc Chiến, thanh niên là đội ngũ sáng tạo, đi đầu trong các hoạt động của tuổi trẻ nên cần phải tạo hành lang pháp lý để phát huy sức mạnh, vị trí của họ. Vì thế, trách nhiệm của các đoàn thể, tổ chức cần phải nêu rõ hơn khi thực hiện chính sách đối với thanh niên.
Đánh giá cao tính phù hợp cơ cấu trong Chương III về chính sách của Nhà nước với thanh niên nhưng Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, việc thực hiện chính sách đối với thanh niên vẫn còn khá chung chung, mang tính khẩu hiệu. Từ việc rút kinh nghiệm thi hành Luật Thanh niên hiện hành, cần bổ sung và quy định cụ thể hơn nữa các chính sách cho thanh niên, bảo đảm khi Luật có hiệu lực các chính sách sẽ đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho thanh niên phát huy tối đa vai trò của mình.
Chính sách cho thanh niên trong lực lượng vũ trang, thanh niên là sinh viên cần phải có quy định cụ thể hơn. Ví dụ thanh niên trong lực lượng vũ trang được hưởng những chính sách gì? Chính sách cho thanh niên là sinh viên cũng chưa có nên cần được nghiên cứu kỹ hơn. Điều 21 nêu vai trò của thanh niên trong xây dựng quốc phòng toàn dân nên được bổ sung rõ hơn vào trong dự án Luật và cần có chính sách cụ thể. Chính sách dành cho thanh niên có năng lực, tài năng và thanh xung phong nên được đưa vào dự án Luật một cách cụ thể hơn. Còn chính sách cho thanh niên thuộc nhóm người yếu thế, khuyết tật; thanh niên bị nhiễm HIV cần được đưa vào những luật khác.
Đồng ý với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, chính sách cho thanh niên bị nhiễm HIV, thanh niên là người khuyết tật, người yếu thế nên được nghiên cứu để đưa vào các luật khác, chứ không nhất thiết đưa vào Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, trong Dự án Luật nên chú trọng ưu tiên thực hiện chính sách cho thanh niên tình nguyện, thanh niên xung phong, thanh niên là đối tượng đặc thù của Luật, chứ không nên mở rộng ra nhiều đối tượng khác.
Về vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu quan điểm: Đối tượng được hưởng chính sách ở trong Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) nên là nhóm đối tượng đặc thù như thanh niên tình nguyện, thanh niên xung phong. Còn thanh niên là người yếu thế, nhiễm HIV và một số nhóm người khác có độ tuổi đang là thanh niên không nên thuộc diện được hưởng các chế độ chính sách ở trong Dự án Luật này.
Để phát huy thế mạnh của thanh niên được hiệu quả, theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) nên quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên một cách rõ nét hơn khi tham gia vào đóng góp ý kiến, hoạch định chiến lược phát triển chính sách cho chính nhóm đối tượng này. Ngoài ra, Dự án Luật cũng nên có chính sách khuyến khích thanh niên công tác ở những vùng miền khó khăn, thanh niên tham gia vào các lĩnh vực mới, có sáng tạo, huy động sức lực.
Tại phiên thảo luận, giải trình rõ hơn về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu về chính sách đối với thanh niên có tài năng. Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng với Bộ Tư pháp rà soát các đối tượng được hưởng chính sách; đề xuất với Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành bổ sung, chỉnh sửa để đưa Dự án Luật ra thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tới.
Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong phát biểu.
Phát biểu tại Phiên họp, Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong, khẳng định: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn tạo điều kiện để thanh niên phát huy trí tuệ, sức lực để cống hiến cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ông Lê Quốc Phong, chính sách về thanh niên phải đáp ứng được yêu cầu của thanh niên, tạo điều kiện chung cho thanh niên phát triển và cống hiến nhiều nhất cho sự phát triển của đất nước. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ cùng với Bộ Nội vụ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp thu và làm rõ hơn những ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) trước khi đưa ra Quốc hội xem xét, thảo luận trong kỳ họp tới.
Kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu quan điểm: Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 7 chương, 44 điều đã đề cập rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, với gia đình và chính bản thân thanh niên. Các chính sách của Nhà nước, tổ chức đoàn thể phát huy trí tuệ của thanh niên trong xây dựng đất nước cũng được nêu rõ hơn trong Dự án Luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu nghiêm túc những ý kiến của các thành viên Ủy ban và cần nghiên cứu, giải trình thêm một số vấn đề về chính sách để phát huy sức mạnh của thanh niên; chính sách cho thanh niên là nhóm yếu thế, cán bộ đang công tác, làm việc ở nước ngoài cũng như một số ý kiến đóng góp về các vấn đề khác để đưa Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) ra Quốc hội thảo luận, xem xét tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tới./.