100% KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI TỚI CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI, UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI ĐƯỢC TRẢ LỜI

01/05/2020

Thông tin tại Hội nghị góp ý vào dự thảo báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Công Anh cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc của ĐBQH, cử tri cả nước đã gửi 59 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội và 100% các kiến nghị này đã được cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lời.

 

Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, thông qua các cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp thứ 8 của ĐBQH với cử tri và Nhân dân cả nước đã tiếp nhận 2.108 kiến nghị, trong đó có 59 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội. Các kiến nghị này đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời cử tri theo quy định.

Về kết quả giải quyết trả lời các kiến nghị của cử tri, Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Công Anh cho biết, 100% kiến nghị của cử tri gửi tới các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được trả lời (tiếp nhận và trả lời 59/59 kiến nghị).

Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công báo cáo tại Hội nghị góp ý vào dự thảo báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV.

Cụ thể, về công tác xây dựng pháp luật (23/59 kiến nghị chiếm 39%), cử tri đề nghị Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, có giải pháp thu hút các chuyên gia giỏi, có kiến thức rộng và kinh nghiệm thực tế để soạn thảo các dự án luật. Ủy ban Pháp luật đã ghi nhận kiến nghị của cử tri để lưu ý các cơ quan soạn thảo trong quá trình thực hiện nhằm thu hút, phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học công tác xây dựng luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng thông tin đến cử tri về việc tiếp thu kiến nghị cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội,...

Cử tri cũng kiến nghị ban hành Nghị quyết về xử lý tiền nợ thuế đối với người nộp thuế không còn khả năng theo hướng “xóa nợ” hoặc “khoanh nợ” để tạo điều kiện cho người nộp thuế có điều kiện sản xuất kinh doanh trở lại,… Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã thông tin cho cử tri về việc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Theo đó, các đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, bị thiên tai, bất khả kháng, không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh,…

Ngoài ra, cử tri một số địa phương đã góp ý kiến cụ thể vào 12 dự án luật được Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 8, trong đó một số kiến nghị đã được tiếp thu.

Về hoạt động giám sát (36/59 kiến nghị chiếm 61%), cử tri một số tỉnh phản ánh một số dự án lớn về giao thông còn nhiều bất cập như: chất lượng đường cao tốc đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa hoàn thành đi vào khai thác đã sụt lún, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông,...; dự án đường sắt Cát Linh - Hà Nội chậm hoàn thành đưa vào sử dụng, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nhiều lần,... gây lãng phí nguồn lực, do đó cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát chặt chẽ những công trình, dự án có sử dụng nguồn lực ngân sách lớn, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, dự án đường cao tốc nhằm đảm bảo chất lượng và tránh gây thất thoát lãng phí.

Trả lời cử tri về vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế đã thông tin cụ thể đến cử tri về việc tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đã báo cáo về việc thực hiện chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị đã được các vị ĐBQH thảo luận, chất vấn để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quản lý chặt chẽ đầu tư công, nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động đối với các chủ thể tham gia dự án nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát các dự án đầu tư công nói chung và các dự án quan trọng quốc gia nói riêng, góp phần tăng cường đầu tư hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công,...

Hội nghị góp ý vào dự thảo báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV.

Cử tri cũng đánh giá cao Quốc hội, Chính phủ thời gian qua đã quyết liệt trong phát hiện, xử lý tham nhũng, cán bộ vi phạm pháp luật song việc xử lý chưa đủ sức răn đe, việc bảo vệ người tố giác tội phạm, nhất là tố giác tội phạm tham nhũng còn chưa đảm bảo. Cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường giám sát các cơ quan thực thi pháp luật để giảm án oan, sai. Trả lời cử tri, Ủy ban Tư pháp cho biết: Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tiếp thu ý kiến cử tri, trong thời gian tới, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và các cơ quan khác của Quốc hội sẽ tập trung giám sát việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi này. Hoạt động giám sát sẽ làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, các cấp, các ngành, các địa phương đối với các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng, từ đó góp phần bảo đảm cho các hoạt động này tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội,...

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải kết luận hội nghị.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, trong năm 2020, tiếp thu kiến nghị cử tri, nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được Quốc hội, cơ quan của Quốc hội đưa vào kế hoạch giám sát, như: Quốc hội giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”; Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội cũng quyết định giám sát nhiều chuyên đề quan trọng và thiết thực.

Đặc biệt, tiếp thu kiến nghị cử tri, để đánh giá việc thực hiện kiến nghị sau giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ, bộ, ngành nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch triển khai nội dung giám sát của Quốc hội về xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; ban hành quyết định giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật./.

Trọng Quỳnh