Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung tại phiên họp
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong tám công ước cơ bản của ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) và được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007).
Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội và pháp lý.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức có 10 Điều. Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 2; từ Điều 3 đến Điều 10 là những quy định về thủ tục.
Trong đó, Điều 1 của Công ước quy định mọi quốc gia thành viên của ILO gia nhập Công ước này cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị, hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập; như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế; như là một biện pháp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động; như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công; như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo.
Điều 2 của Công ước quy định mọi Nước thành viên của ILO đã gia nhập Công ước này cam kết sử dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ ngay và toàn bộ lao động cưỡng bức bắt buộc, như đã quy định tại Điều 1 Công ước này.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cũng cho biết, Công ước số 105 được gia nhập với danh nghĩa Nhà nước.
Về thẩm quyền quyết định gia nhập, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, Công ước 105 là một trong tám công ước cơ bản của ILO, chứa đựng những tiêu chuẩn quốc tế cơ bản về xóa bỏ lao động cưỡng bức, bảo đảm quyền của người lao động trong tự do việc làm, tự do lựa chọn việc làm, không bị cưỡng bức lao động, đây là một trong những quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp 2013. Xóa bỏ lao động cưỡng bức không chỉ là tiêu chuẩn cơ bản của ILO mà còn là tiêu chuẩn về nhân quyền phổ quát được đề cập trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị (ICCPR); cam kết thực hiện tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức đồng thời là cam kết trong Hiệp định EVFTA đã được ký kết và cũng đang được trình Quốc hội phê chuẩn. Do vậy, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 29, khoản 1 Điều 43 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, việc xem xét, quyết định gia nhập Công ước này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Công ước được lập bằng tiếng Anh và tiếng Pháp có giá trị như nhau; và có hiệu lực với Việt Nam sau 12 tháng kể từ khi văn kiện gia nhập của Việt Nam được đăng ký với Tổng giám đốc Văn phòng ILO.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung cho biết, Công ước số 105 có hiệu lực vô thời hạn, tuy nhiên, nếu Việt Nam gia nhập Công ước này có thể bãi ước/rút khỏi Công ước sau thời hạn 10 năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực, bằng cách thông báo với Tổng giám đốc Văn phòng ILO để đăng ký việc bãi ước/rút khỏi Công ước. Trong vòng 01 năm sau khi kết thúc thời hạn 10 năm nêu trên mà Việt Nam không thực hiện quyền này, thì sẽ bị ràng buộc trong một thời hạn 10 năm nữa, rồi sau đó mới có thể bãi ước/rút khỏi Công ước này mỗi khi kết thúc thời hạn 10 năm.
Nếu Việt Nam gia nhập Công ước này, Công ước số 105 sẽ được áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam./.