Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp bất thường cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Hỗ trợ bằng tài chính bao phủ diện rộng nhóm dân cư và người lao động
Theo báo cáo của Chính phủ, dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta; trong đó nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, cần kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn, bị giảm sâu thu nhập do dịch Covid-19.
Chính phủ xác định các đối tượng hỗ trợ gồm: người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất chính sách: Người sử dụng lao động và lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) tối đa không quá 12 tháng.
Cho phép người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh, có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm.
Có thể triển khai thực hiện ngay nhiều biện pháp hỗ trợ
Cho ý kiến về một số nội dung của Báo cáo số 121/BC-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thống nhất các nguyên tắc, đề xuất gói hỗ trợ của Chính phủ và có thể triển khai thực hiện ngay, nhưng cần phải xác định rõ các loại đối tượng và đánh giá tác động thêm về hiện tại, trung hạn và dài hạn.
Về các nội dung cụ thể, Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhất trí cao nguyên tắc “Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19” và thấy rằng, nội dung các biện pháp nêu trong báo cáo thực chất là chính sách, biện pháp hỗ trợ bằng tài chính, tiền mặt trên diện rộng, bao phủ nhiều nhóm dân cư và người lao động trong xã hội.
Đối với nhóm đối tượng là người lao động, Ủy ban cho biết thực tế người lao động tự do, người lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là những người lao động yếu thế, dễ bị tổn thương, thuộc một trong những nhóm bị tác động nặng nề nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do mới tham gia thị trường lao động hoặc làm công việc giản đơn, có thu nhập không ổn định…, cũng rất cần được bảo đảm mức sống tối thiểu không khác gì nhóm người lao động có quan hệ lao động khác. Do đó, đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm về việc đề xuất mức hỗ trợ để có sự tương đồng trong thực hiện chính sách đối với người lao động, tương tự như hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đối với người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng với các mức khác nhau, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, không phải tất cả nhóm đối tượng này đều cần hỗ trợ mà cần cân nhắc kỹ lưỡng để có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với nhóm người có công còn nghèo, có nhiều khó khăn, mức hưởng trợ cấp đang còn thấp.
Chính phủ cần cân nhắc để thực hiện theo thẩm quyền được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội đối với biện pháp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc
Cần thêm đánh giá tác động, tính đến trung và dài hạn
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lưu ý bảo đảm nguyên tắc khi huy động, sử dụng các quỹ trong lĩnh vực an sinh xã hội phải tính tới dài hạn, ổn định vĩ mô và tính chủ động bởi các quỹ này chính là một trong những điểm tựa vững chắc cho cả quốc gia trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, tình trạng khẩn cấp, nếu sử dụng ngay cho ngắn hạn mà không có phương án cho tình huống khó khăn hơn hiện nay sẽ gây khó khăn trong trường hợp đại dịch có thể kéo dài.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, Chính phủ nếu trình Quốc hội “cho phép người sử dụng lao động và người lao động tạm dừng đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng” cần đặt trong tổng thể các quy định của Luật Việc làm và việc xử lý kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Chính phủ cần giải trình cụ thể hơn các phương án khác nhau khi đề xuất việc sử dụng nguồn từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng kiến nghị cần khẩn trương giao các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát để đề xuất các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung pháp luật để đáp ứng với thực trạng hiện nay và thậm chí trong tình trạng khẩn cấp, trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn để bảo đảm tính căn cơ và ứng phó chủ động hơn. Song hành với các giải pháp ngắn hạn, cần huy động các bộ, ngành, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức quốc tế có đánh giá tác động toàn diện mang tính định lượng để làm dữ liệu đầu vào cho các kịch bản ứng phó cả về kinh tế - xã hội - quốc phòng và an ninh trong tình hình mới do tác động của đại dịch Covid-19.
Đối với các biện pháp đã được pháp luật quy định, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai, gấp rút đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ hơn và thuận tiện trong việc tiếp cận, bảo đảm được hưởng đầy đủ quyền lợi đối với các chính sách này. Đồng thời, chỉ đạo việc thực hiện công tác hướng dẫn tổ chức triển khai công khai, minh bạch, thông tin, tuyên tuyền và kiểm tra, kiểm toán, giám sát chặt chẽ để hạn chế tối đa các sai sót, sơ xuất; đặc biệt tuyệt đối không để xảy ra lạm dụng, trục lợi các hỗ trợ./.