CHÍNH PHỦ BÁO CÁO ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ CÁC BIỆN PHÁP HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19

08/04/2020

Sáng ngày 08/4, tại nhà Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch bệnh COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta; trong đó nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp. Theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Đồng thời, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, cần kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn, bị giảm sâu thu nhập do dịch COVID-19. Việc hỗ trợ dựa trên bốn nguyên tắc. Một là, hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19. Hai là, nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Ba là, việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Bốn là, ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết này.

Về đối tượng, mức hỗ trợ, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đề xuất 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền do COVID-19. Cụ thể:

Thứ nhất: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên được hỗ trợ thêm: 500.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

Thứ hai: Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

Thứ ba: Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện cho vay hằng tháng theo tình hình thực tế.

Thứ tư: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên: 1.800.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

Thứ năm: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm: 1.000.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

Thứ sáu: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

Các chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện tối đa 3 tháng. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chính sách hỗ trợ trở lên (kể cả chính sách hỗ trợ đang thực hiện của địa phương nếu có) thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ

Ngoài ra, người sử dụng lao động và lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) tối đa không quá 12 tháng. Cho phép người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh, có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 03 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/tháng đối với từng người lao động.

Về quy mô hỗ trợ (bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội), theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến Nhà nước sẽ chi khoảng 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng. Trong dó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng. Ngân sách Trung ương 22.000 - 23.000 tỷ lấy từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019 là 19.000 - 20.000 tỷ đồng. Số còn lại từ nguồn dự phòng 2020, tiết kiệm chi thường xuyên... Ngân sách địa phương 13.000 - 14.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019, quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách 2020 và nguồn cải cách tiền lương còn dư....

Ngoài ra, gói hỗ trợ này còn sử dụng khoản hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp, người lao động dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỷ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỷ đồng).

Để thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân bị tác động bởi dịch COVID-19, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ nêu trên. Cho phép sử dụng khoảng 19.000 – 20.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ thực hiện ngay và báo cáo Quốc hội việc cho phép người sử dụng lao động và người lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng và sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời gian chờ Quốc hội xem xét, quyết định, cho phép Chính phủ chủ động bố trí nguồn để hỗ trợ các đối tượng này.

Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tình hình tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác