Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Đà Nẵng
Trước đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhận được chất vấn của ĐBQH Võ Thị Như Hoa (Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng) tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nội dung chất vấn như sau: “Trong thời gian gần đây, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được xử lý nghiêm minh trước pháp luật và nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của Nhân dân cả nước. Tuy nhiên, vấn đề mà Nhân dân cả nước hết sức bức xúc đó là việc thu hồi tài sản còn hết sức hạn chế, tỷ lệ tài sản được thu hồi quá thấp, việc tẩu tán tài sản tham nhũng được thực hiện một cách dễ dàng và phổ biến. Điều này cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng còn rất nhiều hạn chế. Xin Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết những khó khăn, vướng mắc trong việc xác minh, thu hồi tài sản tham nhũng và đề xuất những giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đó. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng còn quá nhiều kẽ hở để các đối tượng có hành vi tham nhũng có thời gian, điều kiện để tẩu tán tài sản tham nhũng. Cụ thể là trong quá trình khám phá các vụ án tham nhũng đã tạo ra những động thái nhất định khiến cho đối tượng tham nhũng biết trước để tẩu tán tài sản, trong khi đó cơ chế kiểm soát, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản lại không hiểu quả. Đồng chí đánh giá như thế nào đối với những nhận định trên, đồng thời có đề xuất những giải pháp gì để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tẩu tán tài sản tham nhũgn trong thời gian tới?”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái
Trả lời chất vấn của ĐBQH Võ Thị Như Hoa, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, về thực trạng và nguyên nhân của việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khan, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó có nguyên nhân về thể chế, chính sách chưa cụ thể hoá kịp thời; quy định của pháp luật về thu hồi tài sản còn mang tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa rõ ràng; việc nội luật hoá các quy định về thu hồi tài sản theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng còn chậm.
Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng thuộc nhóm tội có độ ẩn cao cả về hành vi phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt. Kẻ phạm tội luôn có xu hướng che dấu, tẩu tán, hợp pháp hoá những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản.
Về các giải pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, việc thu hồi tài sản tham nhũng luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, việc hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thu hồi tài sản là cấp thiết….
Trong quá trình chuẩn bị để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tương trợ tư pháp, các cơ quan của CP cũng đã nghiên cứu đề xuất, kiến nghị nội dung liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng và đã được Quốc hội xem xét, thông qua. Đặc biệt tới đây khi đề xuất sưa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng, trong đó đã đề xuất việc xử lý đối với tài sản tham nhũng, tài sản không kê khai, tài sản thăng thêm nhưng không giải trình được một cách hợp lý./.