PHÁT BIỂU KẾT LUẬN CỦA PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI UÔNG CHU LƯU VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

18/02/2020

Tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), sau khi nghe các ý kiến góp ý của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã phát biểu kết luận các nội dung của phiên họp về dự thảo Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính là dự án luật đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào đầu năm mới 2020 và nhận được sự tán thành, nhất trí cao về việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này để giải quyết được vấn đề bất cập, vướng mắc, hạn chế, các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, qua đó để chấn chỉnh vấn đề tổ chức thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong thực tiễn thời gian vừa qua, qua đó góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời cũng như bảo đảm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật cần phải tổng kết, đánh giá thật rõ, cụ thể hơn đối với những chính sách, những quy định bổ sung, sửa đổi lần này. Những gì không hợp lý thì phải sửa, nhưng sửa phải bảo đảm trên nguyên tắc những gì đã chín, đã rõ và có sự đồng thuận cao. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu sửa, bổ sung mà chưa đáp ứng yêu cầu thì không nên đưa vào sửa đổi, bổ sung.

Về hồ sơ, tài liệu dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, về cơ bản hồ sơ rất công phu, đồ sộ. Tuy nhiên, qua các ý kiến thảo luận hôm nay, Ban soạn thảo cần phải tiếp tục đánh giá cụ thể các chính sách, rà soát, thống kê lại những vụ việc thực tế của từng năm, từng lĩnh vực; có so sánh giữa quy định của luật này với các luật pháp liên quan, trong đó có Luật Hình sự để bảo đảm có cơ sở thực tiễn, khoa học.

Đối với những vấn đề chính sách cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về xử phạt hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đều tán thành với việc cần nghiên cứu để nâng mức hình phạt tiền cao hơn trong 10 lĩnh vực và 6 lĩnh vực bổ sung. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần phải lưu ý rà soát lại trong từng nhóm lĩnh vực.

Về vấn đề hiệu quả của hình phạt hành chính cũng như hình sự nói chung, có rất nhiều yếu tố khác chứ không phải chỉ có mức phạt và tính hà khắc của hình phạt. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trong hành chính, mặc dù phạt tiền không cao nhưng nguyên tắc xử lý hành chính hiện hành rất đầy đủ, đồng bộ. Tất cả những biện pháp cần kết hợp cùng với biện pháp phạt tiền thì sức răn đe và tác dụng giáo dục, phòng ngừa của pháp luật hành chính mới nâng cao được.

Về chính sách thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý với ý kiến trong Báo cáo thẩm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, không nhất thiết trong mọi trường hợp phương tiện này phải tương thích với giá trị mức phạt tiền của hình phạt. Bởi vì, có thể có những hình phạt chỉ quy định như thế nhưng nếu như tịch thu thì giá trị tăng lên rất nhiều hay ví dụ như phạt tiền với dỡ bỏ một công trình xây dựng trái phép thì lớn hơn rất nhiều.

Về việc áp dụng 2 biện pháp cưỡng chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với ý kiến của thẩm tra và cho rằng chúng ta phải đánh giá lại bản chất của 2 biện pháp này. Nó là biện pháp cưỡng chế, là hình phạt hay là biện pháp ngăn chặn. Nếu quy định là biện pháp cưỡng chế như dự thảo hiện nay thì có thể tạm dừng việc cắt điện, nước, nhưng cũng chỉ đối với một số lĩnh vực, một số loại hành vi, ví dụ môi trường hay xây dựng trái phép, chứ không phải tất cả mọi vi phạm hành chính đều áp dụng biện pháp cưỡng chế. Bởi vì cưỡng chế để thi hành xử phạt hành chính, chứ không phải là cưỡng chế để chấm dứt tất cả mọi thứ. Do vậy, quy định này cần phải cân nhắc thêm.

Đối với nội dung về đình chỉ vĩnh viễn, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ không đồng ý và nhấn mạnh về Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng không đồng ý. Bởi trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành, quy định biện pháp này là biện pháp tạm đình chỉ có thời hạn để thực hiện biện pháp cưỡng chế để thi hành hình phạt. Nếu chúng ta đình chỉ vĩnh viễn thì quá nặng và không đúng với yêu cầu, bản chất của biện pháp này. Đề nghị Ban soạn thảo phải cân nhắc rất kỹ.

Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát lại thật kỹ để hoàn thiện, bảo đảm chất lượng dự án Luật theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Thu Phương

Các bài viết khác