Ý KIẾN THẨM TRA CỦA ỦY BAN TÀI CHÍNH- NGÂN SÁCH VỀ NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG DẪN VIỆC THỰC HIỆN CƠ CHẾ TẠM QUẢN THEO CÔNG ƯỚC ISTANBUL

18/02/2020

Tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Nghị định này, tuy nhiên đề nghị Chính phủ nghiên cứu, làm rõ thêm một số nội dung.

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu ý kiến thẩm tra tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, ngày 26/9/2017, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 1134/TB-TTKQH thông báo kết luận của Thường vụ Quốc hội về nội dung liên quan đến các Văn kiện hợp tác quốc tế tại phiên họp thứ 14, trong đó “Nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa. Giao Chính phủ thực hiện việc nội luật hóa các quy định của Công ước thành các quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam”. Do đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.

Tuy nhiên, về cơ chế bảo đảm hàng hóa tạm quản, Ủy ban Tài Chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ cần quy định rõ quy trình, thủ tục, điều kiện áp dụng đối với trường hợp bảo đảm bằng thư bảo lãnh, mức bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh, điều kiện của tổ chức tín dụng, quy trình thủ tục thực hiện bảo lãnh... Có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về việc giao VCCI nhận tiền đảm bảo trực tiếp từ doanh nghiệp, so sánh với quy trình đang thực hiện với ASEAN và việc thực hiện ở các nước khác về cơ chế bảo đảm, tiền bảo lãnh chỉ nên nộp ở ngân hàng.

Về đồng tiền bảo đảm, Ủy ban Tài Chính- Ngân sách đề nghị cần quy định đối với trường hợp hàng hóa tạm xuất từ Việt Nam thì đồng tiền bảo lãnh là đồng Việt Nam, các trường hợp khác thì đồng tiền bảo lãnh phải thực hiện theo quy định của nước đi và bổ sung quy định về đồng tiền nộp thuế.

Liên quan đến thời hạn tạm quản hàng hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, quy định về thời hạn tạm quản tại Điều 6 của dự thảo Nghị định có một số nội dung chưa thực sự rõ ràng, cụ thể: tại khoản 1 chưa làm rõ ngày hàng hóa tạm nhập là ngày nào; tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 của dự thảo Nghị định chưa làm rõ thời hạn sử dụng của sổ ATA đã bao gồm cả thời hạn hiệu lực của sổ ATA thay thế hay không. Do vậy, đề nghị bổ sung nội dung bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế vào khoản 2 và khoản 3 và sửa lại khoản 1, 2 và 3 theo hướng: “Thời hạn để tái xuất hàng hóa tạm quản quy định tại Nghị định này là 12 tháng kể từ ngày hàng hóa hoàn thành thủ tục tạm nhập và trong thời hạn sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế); Thời hạn để tái nhập hàng hóa tạm quản quy định tại Nghị định này là thời hạn sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế); Trường hợp hết thời hạn tái xuất mà hàng hóa chưa thực tái xuất thì người khai hải quan thực hiện gia hạn thời hạn tái xuất tại cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập. Thời hạn điểm gia hạn phải trong thời hạn sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế)”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Đồng thời, đề nghị Chính Phủ quy định rõ trong Nghị định về thời hạn tạm quản hàng hóa tối đa có thời gian là bao nhiêu ngày? Có ý kiến đề nghị trường hợp hết thời hạn tái xuất mà hàng hóa chưa thực tái xuất thì không nên gia hạn thêm, chỉ quy định 12 tháng vì so với quy định hiện hành của Việt Nam đã dài hơn 2 lần. 

Đối với nội dung về giao cơ quan thực hiện cấp sổ và thu phí cấp sổ ATA, Ủy ban Tài Chính- Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc giao cho VCCI thực hiện dịch vụ công mà nhiệm vụ này đang thuộc trách nhiệm của cơ quan hải quan, trong khi Công ước Istanbul cũng không quy định cụ thể vấn đề này; cơ cấu tổ chức bộ máy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tài chính để thực hiện nhiệm vụ này của VCCI có đảm bảo không; việc giao cho VCCI thực hiện cấp sổ tạm quản và bảo lãnh hàng tạm quản được hiểu là Nhà nước chỉ định một tổ chức thực hiện dịch vụ công, việc giao độc quyền cung cấp dịch vụ công như vậy có phù hợp không.

Có ý kiến cho rằng, người chủ sổ sẽ phải làm việc cùng lúc với cơ quan cấp sổ (VCCI) và cơ quan Hải quan, do đó về mặt thủ tục hành chính sẽ phức tạp hơn và không tận dụng năng lực chuyên môn của cán bộ Hải quan. Do vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân nhắc nên giao cho cơ quan Hải quan thực hiện.

Về hàng hóa không được tạm quản tại Việt Nam, Ủy ban Tài Chính- Ngân sách cho rằng, việc quy định như dự thảo Nghị định chưa bảo đảm tính đầy đủ, bao quát, thiếu căn cứ, trong khi tại Điều 5 dự thảo Nghị định đã quy định hàng hóa tạm quản phải tuân thủ các chính sách về quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập của pháp luật Việt Nam, theo đó, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể mặt hàng cấm tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập. Do đó, đề nghị bỏ nội dung quy định hàng hóa không được tạm quản tại Việt Nam tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị định.

Về các trường hợp kết thúc tạm quản, Ủy ban Tài Chính- Ngân sách nhận thấy Điều 7 của Dự thảo Nghị định quy định về các trường hợp kết thúc tạm quản còn thiếu trường hợp kết thúc tạm quản quy định tại khoản 2 Điều 14 của Công ước. Do đó, để tránh việc vừa áp dụng các quy định tại công ước và các phụ lục, vừa tra cứu, áp dụng các quy định của Nghị định này, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát để nội luật hóa đầy đủ nội dung này của Công ước istanbul, tương tự như Nghị định quy định Nghị định thư 7. Theo đó, đề nghị bổ sung 01 trường hợp kết thúc hàng tạm quản để phù hợp với Công ước, cụ thể: “4. Hàng hóa tạm quản bị cơ quan có thẩm quyền tịch thu theo quy định của pháp luật nước tạm quản”.

Liên quan đến trách nhiệm của VCCI trong cấp sổ ATA, Ủy ban Tài Chính- Ngân sách đề nghị làm rõ việc VCCI kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi cấp sổ ATA trong trường hợp nào, nếu trên cơ sở quản lý rủi ro thì dựa vào đâu để VCCI có thông tin dữ liệu đó; nếu như bảo lãnh quá cảnh hải quan qua hệ thống ASEAN thì kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện khi có vi phạm xảy ra, vậy trong trường hợp này thì Chính phủ sẽ quy định như thế nào. VCCI có đủ thẩm quyền, trình độ chuyên môn và nhân lực để thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa hay không. Trường hợp VCCI từ chối cấp sổ ATA thì cần thông báo tới chủ sổ bằng phương thức gì. Ngoài ra, đề nghị sửa lại theo hướng “VCCI có văn bản thông báo việc từ chối cấp sổ ATA” và quy định trách nhiệm của VCCI trong việc cập nhật thông tin sổ ATA (bao gồm cả sổ thay thế) như sau:“VCCI thực hiện cập nhật thông tin sổ ATA (bao gồm cả sổ thay thế) dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia”.

Về trách nhiệm thanh toán, Ủy ban Tài Chính- Ngân sách đề nghị cần bổ sung ngay trong dự thảo Nghị định về thời điểm tính tiền chậm nộp và tính tiền chậm nộp theo Luật Quản lý thuế đối với trường hợp cơ quan bảo đảm (tại Việt Nam là VCCI) chậm thanh toán các khoản tiền thuế, phí cho cơ quan hải quan. Đối với trường hợp chủ sổ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các loại thuế có thể phát sinh trong quá trình tạm quản thì theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Phụ lục A Công ước Istanbul, Hiệp hội bảo đảm sẽ chịu trách nhiệm thanh toán tối đa 110% tổng số tiền thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.

Ngoài các vấn đề trên, Ủy ban Tài Chính- Ngân sách cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát về mặt câu chữ, từ ngữ đảm bảo thống nhất giữa các điều, khoản, phù hợp với hệ thống pháp luật đối với từng nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị định./.

Thu Phương

Các bài viết khác