ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI NGÀNH Y TẾ VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

30/09/2019

Lắng nghe ý kiến của cử tri ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) hoạt động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhằm nắm bắt những vấn đề bất cập trong cơ chế chính sách, pháp luật và những vấn đề khác có liên quan, sáng ngày 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa XIV với ngành Y tế và BHXH.

Theo báo cáo của ngành Y tế tỉnh Tiền Giang, tính đến ngày 31/8/2019, toàn tỉnh có hơn 1,5 triệu người tham gia BHYT, chiếm 87,3% dân số tỉnh (vượt 1,5% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao), với tổng số tiền thu BHYT là hơn 930 tỷ đồng. Trong thời gian qua, việc tạm ứng và thanh quyết toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT mà cơ quan BHXH cấp cho các cơ sở y tế chỉ theo số dự toán, không thanh toán đủ chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở y tế, trong khi những cơ sở này đã thực hện cho người bệnh trong năm qua, dẫn đến tình trạng nợ số kinh phí vượt quỹ, vượt trần và vượt dự toán. Tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT đến cuối năm 2018 mà BHXH chưa thanh toán cho các đơn vị y tế là hơn 337 tỷ đồng và đến cuối quí I/2019 là trên 361 tỷ đồng.

Sở Y tế và BHXH tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và ban hành Quy chế Phối hợp hàng năm, tổ chức các cuộc họp chuyên đề thường xuyên, đột xuất nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh BHYT khi có phát sinh. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề chưa thống nhất như: việc phối hợp trong việc thanh toán khám chữa bệnh chưa chặt chẽ, còn vướng mắc nên không dược giải quyết kịp thời; tiến độ thẩm định chi vượt quỹ chậm, và một số bất cập khác.

Ông Trần Thanh Thảo – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang – cho biết: "Các văn bản của Bộ Y tế, ngay cả Bộ Y tế để hướng dẫn về chính sách BHYT, cũng chưa sát với thực tế địa phương, quy định những điều mà trong tình hình hiện nay không thực hiện được. Tiếp theo là việc giải quyết vướng mắc cho các cơ sở khám chữa bệnh không được phản hồi, có một số vướng mắc chúng tôi báo cáo với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, và BHXH tỉnh cũng báo cáo về BHXH Việt Nam mà vẫn chưa được phản hồi và chưa được giải quyết. Thậm chí có một số ý kiến từ năm 2017, đến năm 2018, như ý kiến của Bệnh viện Y học cổ truyền vẫn chưa được phản hồi, nên số tiền thanh quyết toán cho các đơn vị có khó khăn và còn nợ kéo dài."

Theo BHXH tỉnh Tiền Giang, tính đến hết tháng 8/2019, toàn tỉnh có gần 203.000 người tham gia BHXH; tổng thu đạt gần 3.000 tỷ đồng, đạt 64% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Mặc dù ngành BHXH đã phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh phát triển lao động cùng tham gia BHXH, BHYT nhưng số lao động tăng không đủ bù đắp số lao động giảm; tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN cuối tháng còn cao; mức đóng thấp nhưng quyền lợi của người tham gia BHYT càng được mở rộng, giá viện phí được bổ sung tiền lương và phụ cấp đặc thù nhưng mức đóng BHYT không tăng, chưa đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT trong một số trường hợp.

Ngành Y tế tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần thống nhất nội dung khi xây dựng và ban hành văn bản, không có nhiều thay đổi trong thời gian ngắn; các cơ quan Trung ương cần thống nhất chỉ đạo địa phương, tìm được "tiếng nói chung" để tạo thuận lợi cho khám chữa bệnh BHYT; đề xuất cơ quan trọng tài (bên thứ 3) trong công tác thanh kiểm tra về khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, BHXH đề nghị các cơ quan Trung ương ban hành Nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN đối với những đơn vị giải thể, phá sản để kịp giải quyết chế độ BHXH, BHTN với người lao động; điều chỉnh mức đóng BHYT tương ứng với việc mở rộng quyền lợi BHYT; thay đổi phương thức thanh toán, quản lý quỹ khám chữa bệnh BHYT; sớm tổ chức đấu thầu tập trung toàn quốc về thuốc, vật tư y tế có chi phí sử dụng lớn.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cũng chia sẻ khó khăn với ngành Y tế và BHXH tỉnh, nhất là trong việc tìm "tiếng nói chung" giữa 2 ngành này. Theo các đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến đóng góp tại hội nghị rất sát thực tế địa phương, là cơ sở quan trọng để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang tổng hợp và báo cáo với các cơ quan Trung ương tại kỳ họp sắp tới.

Ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang – phát biểu: "Qua buổi tiếp xúc cử tri với các đại biểu của ngành Y tế của tỉnh, chúng tôi nắm được nhiều thông tin liên quan đến câu chuyện tự chủ của bệnh viện. Trong câu chuyện tự chủ của bệnh viện, có vấn đề về tài chính. Hôm nay, chúng ta được nghe những khó khăn, vướng mắc về thanh, quyết toán khám chữa bệnh củ BHYT. Vấn đề này, thật ra xảy ra trên toàn quốc, liên quan đến ngành Y tế và BHXH, có lúc chư thật sự thống nhất với nhau, chính vì thế đã tạo những khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh. Chúng tôi tổ chức phiên giải trình với mong muốn các Bộ, ngành ngồi với nhau để sớm khắc phục những khó khăn cho tốt hơn."

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri ngành Y tế và BHXH, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang ghi nhận để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tại kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội./. 

Vũ Thạch