CẦN KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG KHAI THÁC VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÀN LAN NGAY TRONG DỰ THẢO LUẬT

30/09/2019

Trong hồ sơ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng tại Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan soạn thảo nêu rõ: qua tổng kết thực tiễn công tác quản lý vật liệu xây dựng cho thấy cần khẩn trương khắc phục nạn khai thác vật liệu xây dựng tràn lan làm thất thoát và lãng phí các nguồn tài nguyên...

Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình Dự án luật tại Phiên họp 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Theo Cơ quan soạn thảo - Bộ Xây dựng, cho biết trong giai đoạn vừa qua, một số bộ, ngành liên quan và các địa phương đã xây dựng, từng bước triển khai quy hoạch, chiến lược về sử dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu địa phương, sản phẩm vật liệu xây dựng có tỷ lệ nội địa hóa cao. Sau nhiều năm thực hiện đã từng bước thể hiện được vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ổn định cung - cầu vật liệu xây dựng trong nước và tại các địa phương. Các cơ quan quản lý đã ban hành các chính sách và định mức, tiêu chuẩn cho việc sử dụng gạch không nung, gạch không nung đã được sử dụng ở nhiều công trình trong cả nước. Định mức sử dụng vật liệu trong xây dựng được sử dụng, tham khảo làm cơ sở để lập định mức dự toán xây dựng công trình, lập kế hoạch và quản lý vật liệu xây dựng công trình.

Việc sử dụng cát, đá, sỏi nhân tạo đã nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp và các địa phương, cát nhân tạo đã được sử dụng tại nhiều địa phương và nhiều công trình. Việc loại bỏ lò gạch, lò vôi thủ công đạt hiệu quả cao: đến đầu năm 2019 cả nước đã loại bỏ được gần 450 lò vôi thủ công với sản lượng 900.000 tấn/năm (đạt 90%), dự kiến các cơ sở sản xuất vôi thủ công sẽ dừng sản xuất và xóa bỏ hoàn toàn trong năm 2020; tính đến ngày 31/12/2018 phần lớn các cở sở sản xuất gạch theo công nghệ lò đứng thủ công cơ bản đã được xóa bỏ (một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như: Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hậu Giang…).

Bên cạnh những kết quả đạt được, đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập xung quanh vấn đề về quản lý và khai thác vật liệu xây dựng. Cụ thể, việc khai thác vật liệu xây dựng (đất, đá) tràn lan, tình trạng “cát tặc” vẫn diễn biến phức tạp, làm thất thoát và lãng phí các nguồn tài nguyên, khoáng sản của các địa phương. Việc sản xuất, sử dụng và tiêu thụ gạch không nung gặp nhiều khó khăn, chưa đạt mục tiêu đề ra, việc phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện, bảo vệ môi trường, vật liệu tại chỗ, vật liệu và sản phẩm xây dựng được sản xuất chế tạo trong nước, sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao còn hạn chế. Việc tiêu thụ cát nhân tạo vẫn còn nhiều hạn chế, gặp rất nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp dù đã rất cố gắng tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, nhưng mức tiêu thụ vẫn không vượt quá 10% sản lượng sản xuất ra.

Bên cạnh đó, một số chính sách còn chung chung, chưa phù hợp cho việc thực hiện ở nhiều địa phương, vùng miền; việc tiếp xúc với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung gặp nhiều khó khăn. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định sử dụng vật liệu xây không nung của nhiều địa phương còn hạn chế. Cơ chế quản lý việc sản xuất, sử dụng cát nhân tạo còn nhiều bất cập, chưa nhất quán.

Toàn cảnh Phiên họp lần thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 

Bộ Xây dựng cũng chỉ ra được nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do trong Luật Xây dựng năm 2014 chưa quy định việc sử dụng vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu sử dụng các chất thải của các ngành công nghiệp (như tro, xỉ, thạch cao,…), rác thải làm nguyên, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, bảo vệ môi trường; đây là những xu thế sử dụng vật liệu trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về quản lý vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, Luật Xây dựng năm 2014 chưa có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về vật liệu xây dựng. Do vậy, nội dung này cần được cụ thể hóa trong luật làm cơ sở pháp lý cho việc ban hành Nghị định của Chính phủ. Việc triển khai thực hiện các văn bản, quy định của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về sử dụng vật liệu xây không nung của chính quyền địa phương nhiều nơi còn chưa chi tiết, bất cập, chưa nghiêm túc. Các nguồn cung vật liệu tại chỗ còn thiếu; việc tạo lập và áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ việc thúc đẩy tiêu thụ vật liệu nhân tạo còn nhiều bất cập, thiếu nhất quán.

Hơn nữa, công tác tuyên truyền, vận động chủ đầu tư công trình sử dụng vật liệu xây không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện, bảo vệ môi trường, vật liệu tại chỗ, vật liệu và sản phẩm xây dựng được sản xuất chế tạo trong nước, sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao còn hạn chế, quy mô công nghệ sản suất còn nhỏ lẻ, lạc hậu. Doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn vay và chưa được hưởng các ưu đãi từ chương trình, đề án phát triển vật liệu không nung của Trung ương và địa phương… dẫn đến giá bán cao so với vật liệu xây dựng truyền thống, chưa tạo được lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, do thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế, nên một số doanh nghiệp chỉ nhập dây chuyền công nghệ ở mức trung bình, thiếu đồng bộ, hiểu biết về các tính năng kỹ thuật của sản phẩm, về chất lượng sản phẩm chưa đầy đủ, nên công tác bảo quản sản phẩm khi lưu kho và vận chuyển chưa đúng quy trình, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào công trình.

Trên cơ sở chỉ ra nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong trong công tác quản lý vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay và cần phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phù hợp với thực tiễn, tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất và đã được đánh giá tác động, để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện./.

Hồ Hương