TIẾP THU NHIỀU Ý KIẾN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRONG DỰ THẢO LUẬT CHỨNG KHOÁN (SỬA ĐỔI)

12/08/2019

Chiều ngày 12/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết nhiều nội dung của dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến đại biểu Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận lần đầu về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật. Nhiều nội dung của dự thảo Luật đã được thống nhất tiếp thu, chỉnh lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá (khoản 6 Điều 12 của dự thảo Luật) có ý kiến cho rằng việc bổ sung quy định giá chào bán thấp hơn mệnh giá sẽ phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Doanh nghiệp, như quy định về vốn điều lệ, quy định về các hành vi bị cấm. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để có cơ sở triển khai quy định này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, xem xét nội dung này khi đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp trong kỳ họp tới. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lý giải việc cho phép chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá sẽ phản ánh đúng bản chất về giá cổ phiếu của doanh nghiệp và quy luật cung cầu trên thị trường chứng khoán, bảo đảm giá chào bán cổ phiếu của doanh nghiệp phù hợp với giá thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, đa số ý kiến nhất trí nâng điều kiện về vốn điều lệ đối với chào bán chứng khoán ra công chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Ủy ban Kinh tế cho rằng việc nâng điều kiện về vốn điều lệ nhằm nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô thị trường chứng khoán. Quy định này cũng tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội để gắn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng với niêm yết chứng khoán. Do vậy, Ủy ban Kinh tế thống nhất với điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng.

Về đăng ký giao dịch bảo đảm của Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định tại khoản 2 Điều 55 và khoản 3, khoản 4 Điều 63 của dự thảo Luật do sẽ dẫn đến sự chồng chéo, không thống nhất với Điều 9 của Nghị định 102/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm, mặt khác, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam không phải là cơ quan có thẩm quyền đăng ký biện pháp bảo đảm, không bảo đảm được tính công khai trong hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo quy định hiện hành, Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền đăng ký biện pháp bảo đảm, trong đó có chứng khoán. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam là tổ chức duy nhất được giao thực hiện chức năng đăng ký, lưu ký chứng khoán và có đầy đủ thông tin cập nhật về chứng khoán, tình trạng chứng khoán và người sở hữu chứng khoán cuả công ty đại chúng. Trên thị trường chứng khoán các giao dịch diễn ra liên tục dẫn đến sự thay đổi liên tục về người sở hữu chứng khoán và giá trị chứng khoán. Do vậy, quy định tại dự thảo Luật giao Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm giúp cho việc theo dõi chứng khoán và tài sản bảo đảm là chứng khoán một cách thống nhất, đầy đủ thông tin và có thể kịp thời xử lý khi giá trị chứng khoán thấp hơn giá trị tài sản bảo đảm nghĩa vụ dân sự.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng giới hạn Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam chỉ thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (không phải đối với tất cả chứng khoán). Việc trao đổi, minh bạch thông tin giữa Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm vẫn được thực hiện bằng biện pháp kỹ thuật liên thông cơ sở dữ liệu giao dịch bảo đảm. Để bảo đảm tính thống nhất đầu mối trong quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm, khoản 4 Điều 63 dự thảo Luật được quy định theo hướng: “Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể về hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm đối với chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam”, thay cho Bộ Tài chính hướng dẫn như tại dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Về ý kiến cho rằng Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 là không phù hợp với tính cấp thiết của việc ban hành Luật này. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, Luật Chứng khoán (sửa đổi) được ban hành sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến tổ chức thị trường chứng khoán và tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, với tính cấp thiết của việc ban hành dự thảo Luật đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội, đồng thời để bảo đảm được về mặt thời gian đối với việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật (04 Nghị định và sửa đổi hơn 60 Thông tư), Ủy ban Kinh tế đã đề nghị chỉnh lý điều khoản về hiệu lực thi hành theo hướng: “Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 09 năm 2020” (thay vì 01/01/2021 như dự thảo Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến về vấn đề này tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự thảo Luật đã nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội và đánh giá, các nội dung thống nhất tiếp thu như quy định chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đăng ký giao dịch bảo đảm của Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam… đều phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật./.

Bảo Yến