GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐẠI BIỂU TRẦN VĂN LÂM - TĂNG TUỔI NGHỈ HƯU KHÔNG ÁP DỤNG THEO KIỂU CÀO BẰNG

12/08/2019

Dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 đã và đang được dư luận quan tâm với nhiều đề xuất mới, trong đó có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động. Theo đó, từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ.

Người lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Cũng như nhiều công nhân khác, chị Mai Thị Thanh gắn bó với công việc may tại công ty cổ phần may 10-10 được đã hơn 15 năm. Theo ghi nhận, nguyện vọng của chị Mai cũng như các anh chị em công nhân khác đang làm việc tại xưởng đều mong muốn không tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.

Chị Mai Thị Thanh, Công ty cổ phần Dệt 10-10 

Chị Mai Thị Thanh, Tổ trưởng tổ KCS, Công ty cổ phần Dệt 10-10: “Theo tôi thì tuỳ từng ngành nghề, còn đối với chúng tôi, tuổi nghỉ hưu nâng lên thì không đảm bảo, vẫn giữ như vậy là hợp lý.”

Anh Trần Quang Anh, công nhân đóng gói, Công ty cổ phần Dệt 10-10: “Đối với việc tăng tuổi nghỉ hưu, thì mình nghĩ là không cần vì tuỳ từng lao động, cần thêm thu nhập, người lao động như thế này làm việc nặng nhọc rồi, đến tuổi già thì cần nghỉ hưu để giữ sức khoẻ, giữa nguyên như hiện tại là phù hợp".

Hiện nay, Công ty cổ phần Dệt 10-10 có tổng số trên 1.140 lao động, môi trường làm việc của người lao động chủ yếu là không khu vực trong nhà xưởng. Việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm việc trực tiếp đang nhận được nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như cũ, nếu có sửa đổi tăng thì cần căn cứ vào từng ngành nghề.

Công nhân lao động Công ty cổ phần Dệt 10-10

Chị Nguyễn Thu Hà, Quản đốc Phân xưởng may 1, Công ty cổ phần Dệt 10-10: “Theo ý kiến của tôi, chúng ta cũng cần phải cân nhắc, giữa các ngành nghề sao cho việc sửa đổi này phù hợp. Vì hiện nay, chúng ta cũng có rất nhiều ngành nghề trong xã hội và còn có những ngành nghề rất vất vả, nặng nhọc, nên nếu để điều chỉnh tăng độ tuổi nghỉ hưu người lao động thì tôi nghĩ cũng cần cân nhắc xem xét giữa các ngành nghề.”

Một trong những mục tiêu tăng tuổi hưu theo dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 là nhằm điều chỉnh Lao động cho phù hợp với quy mô, cơ cấu phát triển của nền kinh tế…Tuy nhiên, nhóm lao động tham gia sản xuất trực tiếp lại có mong muốn được nghỉ hưu sớm khi ở độ tuổi 40-50 vì sức khoẻ giảm sút. Dự thảo đã đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1 đề xuất kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Cả hai phương án này nhằm đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam; tạo sự bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ. Tuy nhiên, hai phương án đều đưa ra lộ trình tăng khác nhau. Phương án 1 tăng chậm hơn (3-4 tháng), phương án 2 tăng nhanh hơn (4-6 tháng). 

Tăng tuổi nghỉ hưu phải đảm bảo có lộ trình      

Việc ấn định tăng tuổi nghỉ hưu cho cả nam và nữ theo ngành lao động, thương binh và xã hội có nguyên nhân của già hóa dân số, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động. Cụ thể, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 76,6 tuổi, trong đó nam là 72 tuổi, nữ là 82 tuổi. Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động. Sau 5 năm chỉ tăng thêm có 2 triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400 nghìn lao động. Lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai. Vì thế điều quan trọng là hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trước khi Việt Nam đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số.

Phương án Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam dự báo, với mức đóng góp và mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như hiện nay, đến năm 2023, số thu sẽ bằng số chi. Đến năm 2037, nếu không điều chỉnh chính sách hoặc không phát triển mạnh đối tượng thì Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ không đảm bảo khả năng chi trả. Như vậy, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ khá cao. Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia cho thấy: tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60-62 chiếm 37,5%; tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60-62 chiếm 47,2%. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, gần 100% công nhân lao động làm việc ở các phân xưởng, xí nghiệp, công ty may, lắp ráp điện tử, kể cả khối viên chức, giáo viên (đặc biệt là giáo viên mầm non và tiểu học), y tá, điều dưỡng được hỏi đều cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho rằng nếu điều chỉnh tăng thì phải có lộ trình theo ngành nghề cụ thể: “Tăng tuổi thêm không đảm bảo về sức khoẻ và có tác động không tốt tới xã hội, nhất là người lao động làm việc trực tiếp, đề nghị có khảo sát và đánh giá tác động.Cơ cấu lao động, con số lao động, tác động sẽ lớn nếu không xem xét cụ thể và tôi nghĩ là không nền áp dung đối với từng ngành nghề.” 

Xét cả về tính khoa học, y học, tâm sinh lý thì độ tuổi nghỉ hưu như hiện tại là phù hợp bởi ở độ tuổi này (nam 60, nữ 55) cơ thể cần phải nghỉ ngơi và hưởng các chế độ ưu đãi sau một thời gian dài làm việc. Mặt khác, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam có tăng nhưng chưa cao so với các nước. Tuổi cao không cấm làm việc nhưng cần phải được nghỉ ngơi, đóng góp cho xã hội bằng cách khác phù hợp hơn.

Tăng tuổi nghỉ hưu không áp dụng theo kiểu cào bằng

Cho tới thời điểm kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, Quốc hội chưa thông qua đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhưng trước sức ép từ nguyên nhân già hóa dân số, nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai, khả năng chi trả quỹ bảo hiểm xã hội, theo ý kiến đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang thì việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần xem xét, không cào bằng giữa các ngành nghề, các đối tượng. Đặc biệt cần thận trọng và có lộ trình từng bước, không tạo ra sức ép lớn trong việc giải quyết việc làm cho lao động trẻ, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, về vấn đề này.

Ông Trần Văn Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Phóng viên: Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự báo sẽ tác động mạnh đối với kinh tế - xã hội, bao gồm nhiều khía cạnh như: Giải bài toán việc làm cho lao động trẻ, khả năng cân đối và ổn định quỹ bảo hiểm, quyền lợi của người lao động, ý kiến của Đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Văn Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Chắc chắn những nhận định đó là đúng. Nó sẽ có tác động đầu tiên tới thị trường lao động. Bởi vì khi nhu cầu thay thế nó chưa diễn ra nhanh, thì trong một giai đoạn nhất định sẽ tạo ra sức ép về giải quyết việc làm. Nó có thể tạo ra áp lực cho việc giải quyết việc làm nhưng không là quá lớn và đều trong tầm tay giải quyết của chúng ta và trong điều kiện nền kinh tế hiện nay. Còn đối với bảo hiểm xã hội thì rõ ràng là nó có tác động rồi. Khi mà ta tăng thời gian người lao động làm việc, tức là tăng mức đóng BHXH lên và giảm thời gian sau khi nghỉ hưu hưởng chế độ đấy thì rõ ràng là an toàn của quỹ bảo hiểm xã hội được củng cố. Và chúng ta có điều kiện để cải thiện cuộc sống, tăng chi trả của BHXH cho những người lao động sau khi tới tuổi nghỉ hưu.

Phóng viên: Thưa Đại biểu, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 28/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Quan điểm của Đại biểu như thế nào về vấn đề này ?

Ông Trần Văn Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Chúng ta đang xây dựng một hệ thống chính sách an sinh xã hội, trong đó trụ cột là bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội thì phải dựa trên mức đóng góp của người lao động cũng như tuổi hưởng khi người lao động hết thời gian lao động. thì bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chăm sóc. Trong thời gian vừa rồi, kinh tế đất nước đi lên, tuổi thọ người dân nâng lên, thì thời gian từ lúc nghỉ hưu cho tới hết đời của người lao động kéo dài ra. Trong khi bảo hiểm xã hội, mức đóng không có thay đổi gì cả. Đấy là một sức ép tạo nên cho quỹ bảo hiểm xã hội và về lâu dài thì nó sẽ mất cân đối quỹ. Do đó cần tính toán cho cân đối. Như vậy cả hai yếu tố, tôi nghĩ rằng đều đặt ra yêu cầu xem xét tính toán để nâng độ tuổi của lao động ở nước ta. Nhu cầu lao động của người trẻ, nó sẽ tác động nhưng tôi nghĩ rằng nó sẽ không lớn.

Phóng viên: Đại biểu có kiến nghị gì liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)?

Ông Trần Văn Lâm, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: Vấn đề này thì tôi thấy rằng là các cơ quan nghiên cứu cũng đã đặt ra phương án để có lộ trình từng bước, không để cùng lúc tạo ra sức ép quá lớn cho việc giải quyết việc làm bằng việc có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, dần dần từng bước cho tới khi đạt được tuổi nghỉ hưu, thì phương án đấy là hoàn toàn khả thi.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu./.

Kim Yến