CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ CƠ SỞ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHƯA ĐI VÀO CUỘC SỐNG

12/08/2019

Tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa qua, các đại biểu phản ánh thực trạng chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở chăm sóc người cao tuổi chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan cho biết, Luật Người cao tuổi có quy định, tổ chức, cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi bằng nguồn kinh phí của mình được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Tuy nhiên hiện nay cơ sở chăm sóc người cao tuổi đầu tư từ nguồn xã hội hóa chưa nhiều. Đại biểu đặt câu hỏi: phải chăng là vẫn còn thiếu các chính sách thuyết phục cho các nhà đầu tư, còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách? Đại biểu đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Bộ Kế hoạch – Đầu tư có giải pháp trong thời gian thu hút nguồn xã hội hóa để phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tập trung.

Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan đề nghị phải có giải pháp thu hút nguồn xã hội hóa để phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tập trung

Trao đổi về thực tiễn tổ chức hoạt động của các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết, có rất nhiều chính sách đưa ra nhưng thực tế chưa được thực thi. Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức Nguyễn Tuấn Ngọc dẫn ví dụ, sau gần 16 năm hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi thì phải đến 1/7/2016 thuế giá trị giá tăng cho dịch vụ y tế chăm sóc người cao tuổi đối với doanh nghiệp mới được gỡ bỏ.

Bày tỏ mong muốn Nhà nước có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân trong xã hội chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi có chất lượng, nhân rộng mô hình trong tương lai, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức Nguyễn Tuấn Ngọc cũng đề nghị các đại biểu, lãnh đạo các cơ quan hữu quan quan tâm đến việc hoàn thiện chính sách trong đó có quy định về quản lý các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, phân cấp quản lý, theo dõi tình hình chăm sóc người cao tuổi theo bệnh lý người cao tuổi, số lượng người cao tuổi tại các cơ sở, có cơ chế quản lý kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà dưỡng lão.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thẳng thắn thừa nhận, thời gian qua có chủ trương, chính sách nhưng chính sách không đi vào cuộc sống. Đặc biệt là việc hỗ trợ liên quan đến đất đai thuế thu nhập, liên kết giữa người chăm sóc đời sống vật chất với y tế, tinh thần. Chưa có các chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chia sẻ, thực tế kiểm tra tại các cơ sở chăm sóc người già tại Bình Dương, Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh hay một số cơ sở nuôi dưỡng có sự tham gia đầu tư của Nhật Bản thì phần lớn các cơ sở đều lỗ rất lớn, đặc biệt trong 3 năm đầu, do đầu tư lớn nhưng các khoản thu lại ít.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thông qua hợp tác với Nhật Bản về điều dưỡng viên, phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội, bắt đầu các doanh nghiệp của Việt Nam cùng với cơ sở điều dưỡng của Nhật để xây dựng 1 số cơ sở nuôi dưỡng người già, người khuyết tật với gần 20 doanh nghiệp hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản để xây dựng theo mô hình của Nhật Bản, ngoài ra còn mô hình của Đức để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Giải trình làm rõ thêm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, hiện nay có 2 nghị định là Nghị định số 69/2008/NĐ-CP quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Trong đó quy định các hình thức ưu đãi như cho thuê cơ sở vật chất, cho thuê đất, thuế, lệ phí, ưu đãi tín dụng… song đúng như các đại biểu phản ánh thì mức độ hấp dẫn của những quy định này chưa đủ sức.

Cùng với đó, thực hiện xã hội hóa ở một số lĩnh vực ở một số địa phương cũng tương đối nhưng để hướng vào những lĩnh vực, đối tượng cần hỗ trợ chưa rõ nét nên việc thực hiện chính sách chưa cao.

Do đó, thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị đưa ra mô hình mới, hợp hơn. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp đã có quy định về doanh nghiệp xã hội, ở các nước phát triển đề cao loại hình doanh nghiệp này. Bộ cũng đang nghiên cứu phát triển loại hình doanh nghiệp để quy định chính sách phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh kết luận nội dung giải trình

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập. Trong đó, tập trung các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa hoạt động trợ giúp xã hội, khuyết khích thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội; có cơ chế tạo điều kiện cho Hội người cao tuổi, các tổ chức của người khuyết tật, các tổ chức, đoàn thể tham gia thực hiện các dịch vụ trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật. Đồng thời đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách trong công tác trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật./.

Bảo Yến

Các bài viết khác