ĐBQH NGUYỄN MẠNH CƯỜNG: CÂN NHẮC HOÀN THIỆN MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH PHỦ VÀ LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

02/07/2019

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề nghị cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện thêm một số nội dung.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu

Tán thành sự cần thiết sửa đổi và đánh giá cao nhiều nội dung được sửa đổi bổ sung trong 2 dự án Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, phạm vi luật sửa đổi lần này tập trung vào các nội dung về tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ một số nội dung:

Thứ nhất, về nội dung các vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ. Luật Tổ chức Chính phủ được sửa đổi không nhiều, tổng cộng sửa đổi 5 điều, các nội dung sửa đổi tập trung vào việc bổ sung một số thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ. Tuy sửa không nhiều nhưng các nội dung chủ yếu tập trung theo hướng giao Chính phủ quy định với tổng cộng 4 nội dung lớn, trong đó có gần 20 nội dung nhỏ được liệt kê như quy định khung số lượng, cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, quy định tiêu chí thành lập tổng cục, cục, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa.

Đại biểu cho rằng, cách quy định như vậy có nhiều điểm bất cập cần phải làm rõ. Cụ thể, cần làm rõ những nội dung được giao cho Chính phủ quy định có phải là nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quy định đương nhiên của Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không, hay đây là thẩm quyền do Quốc hội ủy quyền cho Chính phủh quy định. Đại biểu đánh giá nếu vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền đương nhiên của Chính phủ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không cần thiết phải sửa luật này. Nếu những vấn đề nêu trên là thẩm quyền do Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ quy định thì dự thảo luật đang đi theo hướng Tuật Tổ chức Chính phủ là một luật khung. Giao Chính phủ quy định bằng các nghị định mà các nghị định không được gửi kèm theo hồ sơ luật. Những nội dung được giao Chính phủ quy định về cơ bản nhắc lại một số nội dung chính đã được đề ra trong Nghị quyết số 18, 19 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về sắp xếp, đổi mới bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn hiệu quả. Tuy nhiên, đây mới là chủ trương mang tính định hướng trong khi đó dự thảo Luật không cụ thể hóa được nội dung này. Vì thế chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho việc thực hiện chủ trương của Đảng. Thậm chí, có những nội dung đã được luật hiện hành quy định, hay nói cách khác được Quốc hội quy định, lần này quy định này cũng bị bãi bỏ để giao Chính phủ quy định. Cụ thể là quy định cấp phó của cấp vụ không quá 3 người, Tổng cục không quá 4 người. Như vậy, số lượng sẽ không bị khống chế cho đến khi có Nghị định của Chính phủ và không rõ số lượng này có tăng lên hay giảm đi trong khi đó đây là nội dung đã được Quốc hội khóa XIII thảo luận kỹ nhằm khắc phục một thực trạng là có quá nhiều cấp phó ở các cơ quan trung ương. Việc bỏ quy định này cũng chưa được tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định này trong thực tiễn.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu chỉ rõ, việc xây dựng theo hướng luật khung là bước lùi của dự thảo, có cử tri nói rằng không ở đâu như nước ta, luật được ban hành nhưng Chính phủ không ban hành Nghị định thì luật "chết" ngay. Có lẽ quy định như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể để khi văn bản có hiệu lực thì thi hành được ngay vẫn còn là ước mơ lâu dài.

Thứ hai, về việc bổ sung thẩm quyền của Chính phủ, quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tại khoản 10 Điều 23. Trong tờ trình, Chính phủ giải thích thêm là việc để thực hiện trong trường hợp pháp luật chưa quy định hoặc quy định không còn phù hợp. Đại biểu nhận thấy, việc thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là rất cần thiết. Các Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 cũng đặt ra yêu cầu cần phải thí điểm. Tuy nhiên cần xem xét, cân nhắc thẩm quyền quyết định về việc thí điểm và kể cả nội hàm của thuật ngữ thí điểm. Cụ thể như sau: với cách quy định của dự thảo và cũng theo Tờ trình của Chính phủ, thì Chính phủ có thể tự quyết định thí điểm kể cả việc thí điểm là trái luật, chưa nói đến Hiến pháp. Hiện nay, có rất nhiều văn bản luật có quy định về tổ chức bộ máy của Chính phủ, của bộ, cơ quan ngang bộ. Ví dụ như Luật Cạnh tranh có quy định về Ủy ban cạnh tranh quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công thương, Luật Chứng khóan quy định Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính, Luật Lâm nghiệp quy định Kiểm lâm được tổ chức ở cấp trung ương, cấp tỉnh .v.v. Vậy trong tường hợp Chính phủ thí điểm thay đổi tổ chức bộ máy các cơ quan nêu trên khác với quy định của luật thì có được không, có cần phải báo cáo xin ý kiến Quốc hội trước khi thí điểm hay không? Đây là vấn đề mà liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Liên quan tới tính thống nhất của hệ thống pháp luật và liên quan tới cả quyền và lợi ích của nhân dân, nếu không làm chặt chẽ thì sẽ vô hiệu hóa luật, gây ra những hệ lụy nguy hiểm. Trước đây, chúng ta cũng đã từng tổ chức thí điểm về không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Mặc dù, việc thí điểm là do Quốc hội quyết định nhưng vẫn có những ý kiến băn khoăn về việc thí điểm như vậy có trái Hiến pháp hay không, có ảnh hưởng tới quyền lợi của nhân dân hay không? Vì theo Hiến pháp, Hội đồng nhân dân thì được tổ chức cả ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Hay nội hàm của vấn đề thí điểm sẽ được giới hạn như thế nào?  Cũng là vấn đề chưa được làm rõ, như giới hạn về quy mô, về địa bàn, về thời gian như thế nào? Ví dụ có được thí điểm trên phạm vi toàn quốc trong một thời gian nhất định hay không, hay chỉ được thí điểm ở một số nơi, một số địa phương hoặc ở một số cấp chính quyền. Quyết định thí điểm như vậy có phải là văn bản quy phạm pháp luật hay không? Văn bản này được soạn thảo, lấy ý kiến và được thông qua như thế nào v.v...Đây là những vấn đề rất hệ trọng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần làm rõ những vấn đề nêu trên trong dự thảo luật.

Vấn đề thứ ba, về việc quy định biên chế tối thiểu của các tổ chức hành chính. Đây cũng là một yêu cầu được đặt ra trong Nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, khi cụ thể hóa nội dung này vào luật, đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ một số nội dung như sau: Dự thảo đã bổ sung điểm 3b quy định về tiêu chí thành lập các tổ chức hành chính như cục, vụ, viện, văn phòng, ban v.v... Như vậy, có cần phải bổ sung điểm 4a quy định về biên chế tối thiểu của các tổ chức hành chính hay không hay biên chế tối thiểu này cần phải coi như một trong các tiêu chí để thành lập các tổ chức hành chính được quy định tại điểm 3b. Bên cạnh đó, việc đặt ra các yêu cầu biên chế tối thiểu cũng là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, đây đã phải là vấn đề bức xúc nhất trong những hạn chế về tổ chức bộ máy của chúng ta hay chưa, liệu nó có tác động ngược hay không. Thực tiễn hiện nay, bộ máy bị phình to, biên chế cồng kềnh và cần phải khống chế biên chế này thì luật không có quy định. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc những vấn đề trên./.

Hồ Hương