ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ HỦY BỎ QUYẾT ĐỊNH THA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN CHO PHÙ HỢP

01/07/2019

Thảo luận về Dự án luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7, nhiều đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, thiết kế kỹ càng hơn nữa các quy định liên quan đến tha tù trước thời hạn, chế độ của phạm nhân có con nhỏ.

Đại biểu Võ Đình Tín phát biểu

Điều chỉnh, bổ sung quy định về hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn cho phù hợp

Đại biểu Võ Đình Tín – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, phân tích, Điều 71 quy định về hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Khoản 1 Điều 71 dự thảo Luật quy định: "Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 66 Bộ luật Hình sự thì cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ chuyển đến Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện để được xem xét hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện".

Đại biểu cho rằng, quy định như trên là không phù hợp với Điều 14 nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án công an cấp tỉnh và Điều 16 nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện của dự án luật, vì thẩm quyền đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách và hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có nhiệm vụ lập hồ sơ và báo cáo đề nghị cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung Điều 71 cho phù hợp với các quy định khác của dự án luật. Cụ thể, khoản 1 Điều 71, cần được điều chỉnh lại như sau: Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 66 của Bộ luật Hình sự thì cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người tha tù trước thời hạn có điều kiện lập hồ sơ và có văn bản đề nghị đến cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và hồ sơ của cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện và cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh phải xem xét và có văn bản, hồ sơ chuyển đến Viện Kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện để xem xét hủy quyết định ra tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, tại điểm a khoản 1 Điều 71 cũng cần sửa đổi văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp quân khu đề nghị hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Đinh Thị Hồng Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, chỉ ra rằng, về trách nhiệm tham gia quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, đại biểu tán thành với dự thảo luật quy định là giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng, gồm có người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; người được hưởng án treo và quản lý người được thi hành án tù trước thời hạn có điều kiện và cũng giao trách nhiệm cho Công an Xã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thực hiện quy định tại Điều 19 của dự thảo Luật. Như vậy, sẽ đảm bảo tính khả thi và hiệu quả hơn so với giao cho người có tư cách đạo đức tốt, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thực hiện như quy định tại Điều 61, Điều 88 và Điều 103 dự thảo đã trình tại kỳ họp thứ 6. Tuy nhiên, cũng cần có quy định linh hoạt để vận động người có uy tín trong cộng đồng, người có kiến thức, có kinh nghiệm nghề nghiệp, có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xã hội cùng tham gia với Ủy ban nhân dân cấp xã, nhất là đối với những nơi có truyền thống cộng đồng gắn kết, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì phải nói rằng người có uy tín sẽ góp phần vào công tác quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng, giúp đạt hiệu quả cao hơn.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt đưa ra quan điểm

Bổ sung quy định đối với trường hợp con dưới 3 tuổi theo bố hoặc mẹ vào trại giam

Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, chỉ ra trong dự thảo Luật quy định con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam, nhưng không có quy định con dưới 36 tháng tuổi theo cha vào trại giam, chứ không phải nam không bị bao lực gia đình. Vấn đề đã được đảm bảo chưa? Chúng ta cứ nói đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho trẻ em và thường hiểu trẻ em ở với mẹ thì đảm bảo tốt nhất quyền lợi, nhưng trên thực tế có những trường hợp, mẹ mất chẳng hạn hay vì lý do gì đó mà đứa trẻ không thể ở được với mẹ hay người khác thì buộc phải ở với bố. Ở với bố mà trong trường hợp bố phạm tội mà nó phải vào trại giam với bố, thì sử dụng cơ sở và quy định pháp lý nào để giải quyết vấn đề này. Mặc dù, trên thực tế ít xảy ra.Theo như báo cáo Bộ Công an chỉ có một trường hợp. Nhưng trong tương lai xảy ra nữa thì cơ sở pháp lý nào để giải quyết. Nếu nói rằng, xảy ra thì giải quyết trường hợp cụ thể nhưng trường hợp cụ thể đó thì có sơ sở pháp lý cho nó. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung theo hướng nếu trường hợp có con dưới 3 tuổi theo bố vào thì giao cho giám thị công an xử lý.

Cũng quan tâm vấn đề này, đại biểu Lê Thị Nguyệt- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của đại biểu Tô Văn Tám. Đại biểu cho biết thêm, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về lồng ghép bình đẳng giới trong dự thảo luật đã đề nghị xem xét, bổ sung trong báo cáo đánh giá tác động vấn đề này. Có trường hợp nam giới mang con vào trại giam, trong thực tế không nhiều nhưng chúng ta cần tiếp cận theo hướng bảo đảm quyền trẻ em, phải bình đẳng với trường hợp bố vào trại giam khi mẹ mất hoặc trường hợp khác bố phải nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trại giam có khu vực chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi đối với nữ, vì vậy phải có với nam giới mới đảm bảo sự bình đẳng.

Phát biểu tại phiên họp, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của ĐBQH về nội dung như cơ quan thi hành án trong việc thực hiện án treo, việc thi hành án, hủy quyết định tha tù trước thời hạn, việc hoãn thi hành án, chế độ cho phạm nhân có con nhỏ theo vào trại giam v.v... Bộ Công an đã ghi nhận những ý kiến này và sẽ tiếp thu; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải trình để chỉnh sửa trong dự thảo dự án Luật và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, hoàn chỉnh dự án để trình Quốc hội./.

 

 

Hồ Hương