CHỦ TỊCH QUỐC HỘI KÝ CHỨNG THỰC NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 7 QUỐC HỘI KHÓA XIV

02/07/2019

Căn cứ Điều 72 Hiến pháp năm 2013 và Điều 64 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký chứng thực các Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua.

Các nghị quyết bao gồm: Nghị quyết số 75/2019/QH14 về Bổ sung một số điều vào Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết số 76/2019/QH14 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; Nghị quyết số 78/2019/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết số 79/2019/NQ14 về Phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết số 80/2019/QH14 về Gia nhấp Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết số 81/2019/QH14 về Thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Nghị quyết số 83/2019/QH14 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 84/2019/QH14 Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Năm 2020, Quốc hội sẽ thông qua 15 luật và 01 nghị quyết

Nghị quyết số: 78/2019/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 11/6.

Nghị quyết quy định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Phiên họp toàn thể hội trường tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thông qua 08 luật và 01 nghị quyết gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thông qua 07 luật gồm: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Quốc hội giám sát tối cao 01 chuyên đề trong năm 2020

Theo Nghị quyết số: 76/2019/QH14 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 thì trong năm 2020 ngoài việc xem xét các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan hữu quan theo đúng thẩm quyền thì tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Đây là chuyên đề giám sát duy nhất trong năm của Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ tiến hành tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp.

Cùng với đó Nghị quyết số: 81/2019/QH14 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã phân công Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng Đoàn giám sát; cùng Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm Phó Trưởng Đoàn thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình và Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải làm Phó Trưởng Đoàn.

Theo kế hoạch giám sát ban hành kèm Nghị quyết số 81/2019/QH14 thì mục đích của giám sát nhằm xem xét, đánh giá việc ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc và xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Qua đó, đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Quốc hội giám sát tối cao tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên phạm vi cả nước. Thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 đến ngày 01 tháng 6 năm 2019.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với 04 Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội, Quốc hội ban hành Nghị quyết số Nghị quyết số: 83/2019/QH14.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Nghị quyết nêu rõ Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Quốc hội yêu cầu rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhất là việc khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy. Tiếp tục triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm tại địa bàn cơ sở; thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đối với lĩnh vực xây dựng, Quốc hội yêu cầu rà soát, hoàn thiện quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở, quản lý đô thị, kinh doanh bất động sản bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn; sửa đổi quy định liên quan đến quản lý, vận hành nhà chung cư. Đến năm 2021, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng. Đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị, giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng; kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch. Cũng như thực hiện cơ cấu lại thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia và thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội yêu cầu sửa đổi quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa taxi truyền thống, taxi công nghệ và xe vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử; nghiên cứu hoàn thiện quy định về xử phạt đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông qua trích xuất hình ảnh từ thiết bị ghi hình. Điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch ngành giao thông vận tải theo Luật Quy hoạch. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; cân đối nguồn lực để đầu tư hiệu quả hệ thống giao thông, ưu tiên khu vực khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án giao thông trọng điểm.

Quốc hội cũng yêu cầu đến năm 2019 phải hoàn thành Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ. Đến hết năm 2019, tất cả các trạm thu phí thực hiện thu phí tự động không dừng, đồng thời giám sát chặt chẽ và công khai việc thu phí hoàn vốn của các dự án BOT giao thông

Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh đầu tư, có chính sách thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Tổ chức thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch theo hướng tập trung nguồn lực xây dựng các khu vực động lực phát triển du lịch với mục tiêu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Gia nhập Công ước số 98 của ILO

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 80/2019/QH14. Theo đó, căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật Điều ước quốc tế số 108/2016/QH13; Theo đề nghị của Chủ tịch nước tại Tờ trình số 01/TTr-CTN ngày 12 tháng 4 năm 2019 về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Sau khi xem xét Báo cáo thuyết minh số 152/BC-CP của Chính phủ về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Báo cáo thẩm tra số 3586/BC-UBĐN14 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Quốc hội quyết nghị gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và áp dụng toàn bộ nội dung của Công ước số 98.

Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 và các văn bản pháp luật khác để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thực hiện các cam kết trong Công ước số 98.

Quốc hội hoàn thành chương trình Kỳ họp thứ 7

Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (Nghị quyết số: 84/2019/QH14), Quốc hội đã hoàn thành chương trình Kỳ họp thứ 7. Quốc hội đã hông qua 07 luật, cho ý kiến 09 dự án luật và thông qua 10 nghị quyết. Quốc hội cũng đã xem xét báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và tình hình triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2019; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và các báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan theo nội dung, chương trình kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó, cần tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.

Quốc hội quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ địa phương năm 2018 số tiền 2.433 tỷ đồng; cho phép giải ngân đến hết niên độ ngân sách năm 2019 đối với số kinh phí 196,45 tỷ đồng còn dư đến ngày 31 tháng 01 năm 2018 của dự án đóng mới và sửa chữa nâng cấp tàu kiểm ngư theo Nghị quyết số 72/2014/QH13. Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự phòng 10% tại Bộ, ngành, địa phương; một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.

Phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Theo Nghị quyết số: 79/2019/QH14 về việc phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Quốc hội quyết nghị phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Dương Văn Thăng, sinh ngày 08 tháng 3 năm 1969, Thiếu tướng, Quyền Chánh án Tòa án quân sự trung ương.

Ngoài ra tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số: 75/2019/QH14 bổ sung Điều 1a vào sau Điều 1 của Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Theo đó, việc áp dụng điểm a khoản 1 Điều 69 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13: Kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2019 đến ngày 01 tháng 02 năm 2022, cho phép Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong đó có từ nguồn Thẩm phán cao cấp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện luật định nhưng chưa đủ 05 năm làm Thẩm phán cao cấp.

*****

Bảo Yến