Vui mừng gặp lại Công chúa tại Việt Nam và chào đón Công chúa, Phu quân cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Thụy Điển thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng chuyến thăm Việt Nam lần này của Công chúa sẽ góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Thụy Điển.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Désireé
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam và Thụy Điển có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Olof Palme đặt nền móng, được nhân dân hai nước dày công vun đắp trong nửa thế kỷ qua. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đối với nhân dân Việt Nam, Thụy Điển luôn giữ một vị trí hết sức đặc biệt. Hình ảnh hàng ngàn người Thụy Điển xuống đường biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam luôn khắc sâu trong tim người dân Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam, đặc biệt là khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Đặc biệt, Thụy Điển đã giúp Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế trước đây (với IMF, WB...), cũng như luôn ủng hộ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam
Công chúa Victoria Ingrid Alice Désireé cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã đón tiếp với tình cảm nồng ấm; cho rằng, đây là chuyến thăm mà công chúa rất mong chờ bởi đây là lần đầu tiên đến Việt Nam; bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước đã có những bước phát triển rất tích cực.
Nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong thời gian qua, Công chúa khẳng định, chuyến thăm này có nhiều doanh nghiệp Thụy Điển tham gia nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Việt Nam có vị trí quan trọng trong khu vực, đây cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Thụy Điển thâm nhập vào thị trường ASEAN. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chương trình nghị sự mà hai bên cùng quan tâm.
Cũng tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội cho biết thương mại hai chiều Việt Nam – Thụy Điển năm 2018 đạt 1,5 tỷ USD. Hiện có 67 dự án Thụy Điển ở Việt Nam với tổng số vốn 364 triệu USD. Con số này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên. Chủ tịch Quốc hội hy vọng, các doanh nghiệp Thụy Điển tháp tùng Công chúa trong chuyến thăm lần này sẽ có cơ hội tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Chính phủ Việt Nam đang từng bước cải cách hệ thống pháp luật, cải cách hệ thống hành chính, góp phần tạo khung pháp lý vững chắc và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Thụy Điển. Việt Nam sẵn sàng là cầu nối cho Thụy Điển vào khu vực ASEAN.
Quang cảnh buổi tiếp
Hiện Việt Nam đang triển khai rất tích cực Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Việt Nam được IPU chọn là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố Bộ công cụ tự đánh giá các tiêu chí, dịch và áp dụng tại các địa phương; được UNDP, IPU đánh giá rất cao việc triển khai Chương trình này.
Tại buổi tiếp, hai bên cùng cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết và phê chuẩn sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Thụy Điển; khi EVFTA được ký kết, hai nước sẽ triển khai thực thi nhanh và hiệu quả nhất Hiệp định này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, trong tháng 5, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét, phê chuẩn việc tham gia Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế. Hiện Quốc hội đang tích cực xem xét, sửa đổi các quy định của pháp luật về lao động để phù hợp với các cam kết trong EVFTA./.