CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ NHẤT BAN CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG ĐỀ ÁN TỔNG KẾT NGHỊ QUYẾT 48-NQ/TW

06/05/2019

Chiều ngày 06/5, tại Nhà Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Ban Chỉ đạo) đã tiến hành Phiên họp thứ nhất dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.

Cùng dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - Phó Trưởng ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được thông qua ngày 24/5/2005. Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết nhằm đánh giá thực trạng tình hình thực hiện Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta trong 15 năm qua, từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, phục vụ việc xây dựng các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 

Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến về kế hoạch tổng kết Nghị quyết 48-NQ/TW, kế hoạch làm việc của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo; đề cương Báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo; các đề cương báo cáo tổng kết của Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương…

Các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng, việc tổng kết phải bám sát việc tổ chức thực hiện 6 định hướng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, 12 nhóm giải pháp trong xây dựng và thi hành pháp luật đã được xác định trong Nghị quyết 48-NQ/TW, 6 định hướng tiếp tục thực hiện Chiến lược Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam giai đoạn 2016-2020 và các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trongKết luận số 01 ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW (Kết luận 01). Trên cơ sở này, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW về tính đồng bộ, tính thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, trọng tâm là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với Chiến lược Cải cách tư pháp, cải cách hành chính; giữa hoàn thiện hệ thống pháp luật với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế…

Một số thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị cần làm rõ bối cảnh, tình hình tại thời điểm ban hành và trong thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 48/NQ-TW; tập trung đánh giá việc phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết 48-NQ/TW và Kết luận số 01 và việc lãnh đạo thể chế hóa các mục tiêu, quan điểm, định hướng và giải pháp của Nghị quyết 48-NQ/TW và Kết luận số 01.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Trưởng ban Chỉ đạo, đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc tổng kết phải bám sát nội dung, yêu cầu của Nghị quyết 48-NQ/TW, liên hệ với thực tiễn triển khai và quá trình bổ sung, phát triển các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư kể từ sau khi ban hành Nghị quyết 48-NQ/TW đến nay, gắn với thực tiễn trong quá trình đổi mới tư duy về xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật của Đảng ta.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo về nội dung, phương pháp tiến hành tổng kết, kế thừa kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW trước đây. Về tổng kết của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng nên giảm thời gian đi khảo sát, làm việc tại các địa phương; trong quá trình tổng kết nếu có vấn đề gì nổi lên cần thiết phải khảo sát thực tế tại địa phương thì mới đi địa phương. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo chuyên gia về nội dung tổng kết.

Theo kế hoạch, việc tổng kết dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019. Trong khi đó, khối lượng công việc rất lớn với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức ở cả trung ương và địa phương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng thời cũng là lãnh đạo các cơ quan đầu mối tiến hành tổng kết cần chủ động triển khai công việc, bảo đảm chất lượng và hiệu quả với tinh thần khẩn trương, tích cực, khoa học, thực tiễn, bám sát mục đích, yêu cầu tổng kết và tiến độ mà Ban Chỉ đạo đã đề ra; tăng cường việc quán triệt, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tổng kết…/.

Trọng Quỳnh