Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, đại diện lãnh Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội.
Ủy ban Quốc phòng – An ninh thẩm tra dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)
Trình bày tờ trình dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Sau hơn 9 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của DQTV, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến DQTV chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số quy định của Luật Dân quân tự vệ chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến DQTV chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập về xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh, xây dựng DQTV vững mạnh và rộng khắp là vấn đề có ý nghĩa chiến lược cần phải thực hiện ngay từ thời bình, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng chuyển sang thế trận chiến tranh dân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) là cần thiết.
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 50 điều trong đó kế thừa nhiều nội dung quy định của Luật Dân quân tự vệ hiện hành; sửa đổi, bổ sung một số nội dung như điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của DQTV để phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng; bổ sung quy định đối tượng được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV để tương thích với Luật Nghĩa vụ quân sự. Dự thảo Luật điều chỉnh bổ sung theo hướng Luật chỉ quy định chế độ, chính sách được hưởng, còn định mức được hưởng Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ và bảo đảm tính linh hoạt. Dự thảo Luật bổ sung chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực; phụ cấp đặc thù đi biển; bảo đảm tiền ăn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của DQTV trong tình hình mới, phù hợp với thực tế các địa phương đã và đang thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cũng cho biết, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về vấn đề phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật tại phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, lĩnh vực quốc phòng; khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Dân quân tự vệ, bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về Dân quân tự vệ, nâng cao chất lượng, hiệu qủa hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được Ban soạn thảo chuẩn bị công phu, trình Quốc hội đúng tiến độ, cơ bản xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định chặt chẽ hơn về vị trí, chức năng của DQTV bởi là vấn đề cơ bản, làm căn cứ để xác định nhiệm vụ cụ thể và các nội dung khác có liên quan của dự thảo Luật. Rà soát, bổ sung, làm rõ các nguyên tắc hoạt động của DQTV, bảo đảm tính khái quát, thống nhất ngay trong luật. Cân nhắc về việc quy định nhiệm vụ của DQTV sao cho phù hợp với điều kiện hoạt động, khả năng, trình độ và vũ khí, trang bị của DQTV. Nghiên cứu quy định một cách cụ thể, khả thi về điều kiện thành lập tự vệ trong doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm công bằng về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội - Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, dự thảo Luật cơ bản bảo đảm chủ trương phát triển lực lượng DQTV tại Nghị quyết 28 về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và các nghị quyết chỉ thị về quốc phòng, chiến lược quân sự Việt Nam, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục quán triệt bảo đảm phù hợp chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Lưu ý chủ trương xây dựng Luật là phải giải quyết hài hòa, hợp lý giữa việc xây dựng lực lượng DQTV bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, bảo đảm vững mạnh, rộng khắp, chú trọng khu vực biên giới, hải đảo với tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của DQTV, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ bởi các quy định này là gốc thiết kế nội dung luật; phải làm rõ bản chất của dân quân tự vệ; rà soát các quy định về nhiệm vụ, tiêu chuẩn tuyển chọn, tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV để bảo đảm chặt chẽ, khả thi; đánh giá kỹ các tác động của chính sách mới, làm rõ vị trí tính chất, phạm vi hoạt động của dân quân thường trực; rà soát các quy định mới như việc mở rộng lực lượng DQTV, bảo đảm hiệu quả hoạt động tránh tăng biên chế, tăng kinh phí; phân tích đánh giá kĩ thêm về tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp đặc biệt là tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; quan tâm nghiên cứu quy định liên quan đến Ban chỉ huy quân sự cấp xã bảo đảm phù hợp với Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Về chế độ chính sách đối với DQTV cần rà soát các quy định về phụ cấp, chi ngân sách để bảo đảm khả thi, tránh mâu thuẫn với các luật khác.
Về tính thống nhất cụ thể, khả thi của Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính cụ thể, nhiều nội dung giao Chính phủ hướng dẫn đã thực hiện hiệu quả trên thực tế có thể quy định ngay trong luật để nâng cao cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện.
Khẳng định dự thảo Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, hồ sơ dự án Luật để gửi đại biểu Quốc hội theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt kết luận nội dung phiên họp
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt đánh giá cao Ban soạn thảo trong việc tiếp thu giải trình nghiêm túc các ý kiến thẩm tra sơ bộ và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng – An ninh cơ bản thống nhất với nội dung tờ trình của Chính phủ và hồ sơ dự án Luật.
Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho rằng cần có thông tin đầy đủ về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, vấn đề còn ý kiến khác nhau và khó khăn, bất cập trong thực tiễn ở một số địa phương như vấn đề làm sao cho DQTV ở vùng sâu vùng xa mạnh như ở khu vực đồng bằng đô thị và dân quân biển mạnh lên; làm rõ đề xuất chính quy hóa lực lượng xã đội trưởng; bảo đảm chế đội chính sách cho lực lượng DQTV và trách nhiệm phối hợp quản lý nhà nước bảo đảm thể hiện nhất quán trong luật.