Đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc
Làm việc với Đoàn Giám sát có đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh.
Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ theo đúng các văn bản của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Cùng với đó tỉnh đã ban hành Quyết định về quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn tỉnh; Xây dựng kế hoạch sử dụng vốn vay nước ngoài, kế hoạch vốn đối ứng đúng trình tự thủ tục quy định. Vốn đầu tư sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích nội dung đã được ghi trong văn kiện dự án.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 39 chương trình, dự án đã và đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư đạt trên 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn ODA trên 4.400 tỷ đồng, vốn đối ứng là hơn 1.000 tỷ đồng. Lũy kế vốn đã giải ngân trong giai đoạn đạt trên 2.700 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 2.228 tỷ đồng, vốn đối ứng là 500 triệu đồng.
Trong quá trình thực hiện các dự án ODA, vay ưu đãi, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các bước từ khâu lập kế hoạch, phê duyệt kế hoạch, thực hiện các quy định về quản lý công tác đấu thầu, quản lý tài chính, giải ngân và các thủ tục liên quan khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và phía nhà tài trợ.
Theo đánh giá, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA) trong giai đoạn 2011 - 2016 đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tham gia giải quyết tích cực các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại nền kinh tế của tỉnh.
Các dự án ODA đã được tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao giúp cho việc khắc phục cơ bản những khó khăn về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở tất cả các vùng, miền của tỉnh, nhất là vùng cao và vùng đặc biệt khó khăn. Tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của người dân được thuận tiện. Các dự án phát triển lưới điện giúp cho việc mở ra một số ngành nghề sản xuất chế biến nông lâm sản tại chỗ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hàng trăm phòng học kiên cố đã được xây dựng, xóa các phòng học tạm giúp cho việc huy động trẻ em đến trường tăng hàng năm. Cơ sở vật chất và trang thiết bị các bệnh viện trong tỉnh được quan tâm đầu tư, đã đáp ứng ngày một tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Kết quả thu hút các chương trình, dự án ODA còn hạn chế; chưa thu hút được nhiều chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Các dự án đầu tư chủ yếu do tham gia hưởng lợi từ các chương trình, dự án do các Bộ, ngành Trung ương thực hiện; tình hình triển khai của một số dự án còn chậm; việc phát huy những kỹ năng kinh nghiệm trong việc triển khai các dự án ODA trên địa bàn tỉnh còn chưa được tận dụng triệt để; nguồn vốn đối ứng dành cho việc triển khai các chương trình, dự án ODA đôi khi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ đã cam kết với các nhà tài trợ. Do đó dẫn đến việc giải ngân vốn ODA trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2016 vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã có một số ý kiến đề xuất, kiến nghị với Quốc hội xem xét khả năng tăng giới hạn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; sớm hoàn thiện và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Đề xuất với Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi bổ sung về quy trình riêng áp dụng đối với các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nhằm tinh giản thủ tục và giảm bớt chi phí phát sinh do quy định gây ra; giao cho địa phương của các dự án thành phần chủ động tổng hợp, phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn nước ngoài của các dự án dựa trên cơ sở tổng số vốn địa phương được phân bổ và nhu cầu thực hiện của các chủ đầu tư.
Đồng thời UBND tỉnh cũng đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh đã có ý kiến làm rõ về kết quả đạt được và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nhất trí với nội dung báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đánh giá cao những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện đa số các công trình đảm bảo quy trình, chất lượng và đúng tiến độ. Các dự án đã có hiệu quả nâng cao đời sống nhân dân, nâng cao năng lực cán bộ và góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, bất cập về hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; một số công trình, dự án triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, cần được chấn chỉnh…
Đồng chí đề nghị UBND tỉnh trong thời gian tới tiếp tục tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án có nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Đoàn giám sát cũng tiếp thu các nội dung kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh để tổng hợp báo cáo với Quốc hội./.