Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; Hoàng Viết Đường – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh – Trưởng đoàn giám sát đặt vấn đề
Giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện 31 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài với tổng số vốn đầu tư 14.183,14 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài cam kết là 10.855,28 tỷ đồng. Có 16 dự án sử dụng vốn của 2 nhà tài trợ đa phương là ngân hàng thế giới và ngân hàng ADB; 15 dự án sử dụng nguồn vốn của các nhà tài trợ song phương từ Nhật Bản, Vương Quốc Bỉ, Phần Lan, Quỹ Ả rập Xê út, Hàn Quốc, Đức, Luxembourg, Australlia. Đã có 16 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, 15 dự án tiếp tục thực hiện chuyển tiếp sang giai đoạn 2016 – 2020 và các năm tiếp theo; giải ngân được 1.699,39 tỷ đồng/10.855,28 tỷ đồng vốn cam kết, đạt tỷ lệ 43,29%; lũy kế giải ngân tính đến 31/01/2018 là 5.969, 79 tỷ đồng/10.855,28 tỷ đồng.
Vốn đối ứng cho các dự án ODA được Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tập trung ưu tiên bố trí theo cam kết với nhà tài trợ, trong đó tập trung ưu tiên cho các dự án trả nợ, dự án trọng điểm của tỉnh, dự án có tiến độ thực hiện tốt và sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả.
Tại buổi làm việc, bên cạnh đánh giá kết quả đạt được, thành viên Đoàn Giám sát đề nghị các ngành, đơn vị liên quan làm rõ những hạn chế, vướng mắc trong quá trình sử dụng nguồn vốn ODA; về việc không đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án; tiến độ một số dự án quá chậm.
Làm rõ vấn đề này, đại diện Sở Tài chính cho biết, nguồn vốn đối ứng của tỉnh để thực hiện các dự án ODA là do ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh, tiền sử dụng và nguồn xây dựng cơ bản. Nguyên nhân dẫn đến nguồn vốn đối ứng không đạt, chưa kịp thời và đúng với cam kết là do nguồn từ tiền sử dụng đất không phải chỉ dùng riêng cho các dự án ODA mà còn bố trí cho các dự án trọng điểm trên địa bàn, bố trí cho giải phóng mặt bằng, còn nguồn vốn do Trung ương phân bổ thì đã có địa chỉ cụ thể.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT giải trình lý do dẫn đến nguyên nhân chậm tiến độ các dự án do Sở làm chủ đầu tư.
Trước ý kiến của Đoàn giám sát là yêu cầu chủ đầu tư làm rõ nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân một số dự án chậm, nhất là đối với dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An do JICA tài trợ, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có trả lời cụ thể. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tất cả các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đều do Bộ NN&PTNT làm chủ quản, còn Sở NN&PTNT là chủ đầu tư nên mọi việc đều phụ thuộc từ Bộ Nông nghiệp và PTNT từ công tác thẩm định phê duyệt thiết kế, đấu thầu các gói xây lắp, phân bổ nguồn vốn và kế hoạch giải ngân. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở cũng thừa nhận là do năng lực của Ban quản lý dự án còn hạn chế.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Huỳnh Thanh Điền cho rằng, hiện nay ngành nông nghiệp đang tồn tại nhiều Ban quản lý dự án. Bộ máy các Ban quản lý dự án cồng kềnh, lại chưa sáp nhập dẫn đến nhiều hệ lụy, hoạt động chồng chéo và năng lực hạn chế. Vì vậy nên cần phải sớm sáp nhập để hoạt động hiệu quả.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh – Trưởng Đoàn Giám sát khẳng định nguồn vốn ODA rất quan trọng giúp cho tỉnh trong đầu tư phát triển. Trong quá trình thực hiện, nhiều dự án cũng đã phát huy tác dụng.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh phải xem nguồn vốn ODA là nguồn vốn chính thức, tập trung dùng vào đầu tư phát triển để sau này tăng nguồn thu cho tỉnh. Do vậy phải quản lý và sử dụng nguồn vốn hết sức chặt chẽ. Việc bố trí nguồn vốn đối ứng phải đảm bảo kế hoạch tránh tình trạng khi nào cũng đặt trong hoàn cảnh là “nghiên cứu”, “con nuôi”. Khi đã đảm bảo đủ các điều kiện thì phải thực hiện nghiêm túc. Trong thực hiện, UBND tỉnh chú ý phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí. Trong khâu đấu thầu, triển khai thực hiện phải có kiểm tra, giám sát để phòng tránh rủi ro và bảo đảm tiến độ.
Đồng chí lưu ý, trong việc sắp xếp bộ máy quản lý đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh phải thực hiện kiên quyết với quan điểm mỗi huyện, thành phố, thị xã, các sở, ngành tối đa chỉ có một ban quản lý dự án. Trong đó, quy định cơ cấu bộ máy, phòng, ban, cơ cấu số lượng theo đề án. Việc sáp nhập phải được thực hiện chắc chắn, cẩn trọng theo từng bước và có lộ trình cụ thể, đảm bảo ổn định tư tưởng cán bộ, công chức người lao động và hiệu quả công việc.
Một vấn đề được Trưởng Đoàn Giám sát nhắc nhở, đó là đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành đơn vị nghiêm túc trong thực hiện chế độ báo cáo phục vụ hoạt động giám sát, đối với 4 đơn vị không có báo cáo gửi cho Đoàn giám sát thì Uỷ ban nhân dân tỉnh phải có văn bản yêu cầu kiểm điểm.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát biểu
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Xuân Đường đề nghị các chủ đầu tư và các ban quản lý dự án kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án; Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ đưa vào kế hoạch kiểm tra. Các sở, ngành liên quan tham mưu sắp xếp các nguồn vốn đối ứng theo quy định để đảm bảo điều kiện thực hiện các dự án ODA.
Về tổ chức bộ máy Ban quản lý dự án, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Xuân Đường yêu cầu kiện toàn các Ban Quản lý hiện đang hoạt động, từng bước tiến hành sáp nhập; về lâu dài sẽ thành lập Ban quản lý dự án trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh để thực hiện tất cả các dự án trên địa bàn tỉnh.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Xuân Đường cho biết: Uỷ ban nhân dân tỉnh sẽ có văn bản phê bình 4 đơn vị là huyện Anh Sơn, Yên Thành, Quỳ Châu và Sở GD&ĐT vì đã không thực hiện đúng chế độ báo cáo./.