Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

28/03/2017

Chiều 27/3, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016”.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

Theo Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 20 cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, 24 quận - huyện, 322 phường - xã - thị trấn. Trong những năm qua, các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách hành chính thành phố đã đạt kết quả nhất định, có sự tiến bộ đáng kể trên 5 lĩnh vực: Thể chế và thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức; tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính và tiếp tục mở rộng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. 

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Thành phố chú trọng giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội, giữa phát triển toàn diện và chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm; chủ động, sáng tạo và nhất quán trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế trên địa bàn theo đường lối đổi mới. Do đó, tại TP.Hồ Chí Minh không có tình trạng lạm quyền và lộng quyền trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp. 

Về biên chế, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt 39 đề án của 55 cơ quan, đơn vị, giải quyết 153 trường hợp tinh giản biên chế. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết: Biên chế công chức hành chính tại thành phố được Bộ Nội vụ giao là chưa phù hợp với cơ cấu tổ chức và tình hình thực tế. Thành phố sử dụng biên chế vượt trên 3.000 biên chế được giao, nếu không có số biên chế vượt này thì với sức ép từ mức độ tăng dân số ngày càng cao (chủ yếu là tăng cơ học), thành phố không đủ nhân sự để hoàn thành các nhiệm vụ theo quy định. 

Đơn cử về đặc thù của một đô thị lớn, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Trương Văn Lắm chia sẻ, sáp nhập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của 24 quận, huyện và thành lập Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường là nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi tập trung thành một đầu mối. Tuy nhiên, với đô thị đặc biệt, dân số đông như TP.Hồ Chí Minh thì lại “tác dụng ngược”, bởi không giải quyết được nhu cầu rất lớn của thành phố. 

Theo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thủ tục hành chính là “điểm nghẽn”, nếu giải quyết tốt sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ để phát triển kinh tế. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản để giữ ổn định tổ chức bộ máy, thực hiện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và thu gọn đầu mối. Hiện thành phố đang có đề án đề nghị Trung ương phân cấp và ủy quyền cho thành phố một số nội dung; đồng thời chủ động phân cấp cho các quận huyện, sở, ngành.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thành phố chấp hành và thực hiện đúng quy định về tổ chức bộ máy, nhưng kiên trì kiến nghị Trung ương một số nội dung về chuyển chức năng của cơ quan chuyên môn này sang cơ quan chuyên môn khác, cho phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho sự phát triển củ a thành phố, phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân ”. 

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện các chính sách, pháp luật theo quy định của Trung ương, trong đó có việc thành lập thêm một số đơn vị. Điều này thể hiện đặc thù của một đô thị đặc biệt. Tuy vậy, công tác cải cách hành chính nhà nước ở địa phương còn một số khó khăn như số lượng cấp phó ở một số ngành vẫn cao hơn quy định, biên chế sử dụng cao hơn được giao, tinh giản biên chế thấp…

Thành phố cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp, trong đó có vấn đề phân cấp, phân quyền. Thực hiện chủ trương tổ chức đa ngành, đa lĩnh vực, không nhất thiết ở Trung ương có tổ chức, cơ quan nào thì ở địa phương có tổ chức, cơ quan như vậy. Đồng thời, thành phố phải đẩy mạnh chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ và đẩy mạnh xã hội hóa, nếu không thì bài toán biên chế sẽ không giải quyết được; việc cải thiện thu nhập, đời sống cho cán bộ, viên chức sẽ rất khó. 

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, yêu cầu là hiệu quả công việc, nếu vì nhiệm vụ, vì yêu cầu quản lý nhà nước, để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cần phải lập thêm tổ chức thì trong Nghị quyết 39 của Trung ương cũng không hạn chế. 

Sáng cùng ngày, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Uỷ ban nhân dân một số quận, huyện trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, đại diện các địa phương kiến nghị với Quốc hội về việc xem xét bảo đảm chế độ cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách cấp phường, xã; cho mở rộng hơn về điều kiện tinh giản biên chế và việc xét duyệt nghỉ tinh giản biên chế phân cấp cho các tỉnh, thành phố thực hiện; kiến nghị Trung ương và thành phố cho huyện Bình Chánh áp dụng cơ chế quản lý nhà nước cấp phường đối với 4 xã có dân số trên 100.000 người trong khi đang xây dựng đề án phát triển lên quận.

(Theo TTXVN)

Các bài viết khác