Mặc dù cơn sốt ảo giá gạo cuối tháng 4 vừa qua đã được “bắt đúng mạch, kê đúng thuốc”, nhưng qua hai tuần “điều trị”, thực tế vẫn chưa “cắt” được cơn sốt hoàn toàn. Không những thế nó còn có chiều hướng “lây lan”, khiến giá nhiều mặt hàng, dịch vụ khác tăng theo kiểu “té nước theo mưa”.
Hiện nguồn cung gạo đã ổn định trở lại, nhưng giá gạo trên thị trường vẫn cao ngất ngưởng so với trước khi sốt. Từ những đại lý lớn đến các cửa hàng nhỏ lẻ trên thị trường Hà Nội, tất cả đều treo biểu giá gạo mới với mức giá tăng từ 20-30% so với thời điểm trước “cơn sốt”. Giá gạo Bắc Hương ngày 10/5 là 14.000 VND/kg, lúc “sốt” là 17.000 đồng/kg, trước “sốt” chỉ có 11.000 đồng/kg.
Lý do giá gạo tăng cao được các chủ cửa hàng giải thích là do gạo vẫn khan hiếm, họ phải mua vào với giá rất cao. Một số đại lý còn khẳng định thời gian tới giá gạo vẫn sẽ nhúc nhích tăng. Cơn sốt “ảo” giá gạo xảy ra đã tạo cơ hội cho nhiều mặt hàng chế biến từ gạo “nhảy” giá theo. Đáng chú ý khi giá gạo hạ nhiệt, những mặt hàng “ăn theo” đó lại không hạ theo.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, tư thương đang chiếm lĩnh 95% thị phần hàng tiêu dùng Hà Nội. Nếu họ đầu cơ, tích trữ, giá cả sẽ bị đẩy lên. Trong khi đó, hệ thống phân phối rời rạc, không có dự trữ. Nếu không giải quyết tốt khâu phân phối hàng hoá, ngăn chặn, xử lý được nạn đầu cơ, các biện pháp kiềm chế tăng giá, lạm phát sẽ không còn tác dụng. Việc sốt giá gạo vừa qua chỉ là ảo, nhưng những hệ luỵ của nó thì có thật. Các biện pháp mạnh tay đã được kịp thời đưa ra để bình ổn phần nào thị trường gạo, nhưng lại chưa có cách nào kéo giá các mặt hàng, dịch vụ “ăn theo” xuống. Việc hình thành mặt bằng giá mới này đang khiến đời sống người dân, nhất là những người lao động phổ thông, thu nhập thấp thêm chật vật.
Liệu có một “cơn bão” giá nữa bùng phát sau tháng 6 tới?
Theo ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, đối với nhiều mặt hàng, nếu Chính phủ không bù lỗ cho các doanh nghiệp, chắc chắn giá còn tăng cao hơn mức hiện nay. Chẳng hạn, nếu Chính phủ đang phải bù lỗ 1.000 đồng/lít xăng và hơn 3.000 đồng/lít dầu, về lâu dài, chắc chắn việc hỗ trợ giá sẽ được bãi bỏ. Cụ thể khi tình hình lạm phát ổn định và có thể kiểm soát được ở mức độ nào đó, Chính phủ sẽ phải có lộ trình trả lại giá thị trường, chứ không thể bao cấp tràn lan vì ngân sách có hạn. Nếu sau tháng 6 và cả sau này nữa, khi Chính phủ không bù lỗ nữa và giá cả có tăng lên thì cũng là theo quy luật vận động của thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay giá các loại hàng hoá thiết yếu tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý, cộng với tình trạng không kiểm soát được giá các loại hàng hoá bán lẻ. Chừng nào hai yếu tố này không được xử lý thì khi ấy giá các mặt hàng thiết yếu tiếp tục tăng do chủ của các cửa hàng, đại lý trực tiếp cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng “định đoạt”.
Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thoả thừa nhận, hiện các cơ quan chức năng mới chỉ kiểm tra được giá cung cấp sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị cung cấp hàng hoá lớn, chứ không đủ lực để kiểm tra được giá của các cửa hàng, đại lý bán lẻ. Ngay cả muốn kiểm tra lại các cơ sở trước đó đã vi phạm tăng giá bất hợp lý xem có tái phạm không cũng không dễ, bởi số doanh nghiệp lớn trong khi lực lượng chức năng quá mỏng.
Điều lo ngại là với diễn biến giá trong nước cũng như quốc tế hiện nay, đặc biệt là giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh, Nhà nước không thể tiếp tục bù lỗ cho giá xăng dầu trong nước, việc tăng giá mặt hàng này sẽ khó tránh khỏi trong thời gian tới. Khi đó, chưa cần có các mặt hàng thiết yếu khác tăng, việc tăng giá xăng dầu sẽ lại tạo một cái cớ để các mặt hàng thiết yếu khác cùng nhau tăng giá. Rõ ràng với thực tế những gì đang diễn ra, người dân có lý do để lo ngại một “cơn bão” giá nữa lại bùng phát sau tháng 6 tới.
Thành phố Hồ Chí Minh đối mặt với đợt sốt giá mới
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tình hình cũng không sáng sủa hơn sau cơn sốt bùng phát giá gạo, người dân đang phải đối mặt với “cơn sốt” giá hàng hoá tiêu dùng. Từ đầu tháng 5 đến nay, tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh đều tăng hơn 10%.
Theo anh Cường, chủ quán cà phê Sinh viên bình dân trên đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, một két nước ngọt đã tăng từ 40.000 VND lên đến 60.000 VND, đường từ 7.000 đến 8.000 VND/kg nay tăng đến 10.000 VND/kg. Cà phê các loại đều tăng giá từ 120.000 VND/kg lên 150.000 VND/kg. Các quán cơm bình dân cũng tăng từ 2.000 đến 3.000 VND/phần cơm...
Trước tình hình biến động phức tạp của giá cả trên địa bàn, ông Trương Trung Việt, Phó Giám đốc Sở Thương mại TP.HCM cho biết, Thành phố phải đấu tranh chống đầu cơ, tăng cường quản lý kiểm tra trên địa bàn; theo dõi tình hình xuất, nhập các mặt hàng thiết yếu liên quan đến đời sống của người dân. Lực lượng quản lý thị trường phải kịp thời phát hiện xử lý các hành vi găm hàng, thu gom, đầu cơ nâng giá gây xáo trộn thị trường. Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện, các đơn vị quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá, xử phạt nghiêm minh người lợi dụng đầu cơ nâng giá.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp đầu cơ, lợi dụng độc quyền, liên minh độc quyền làm giá. Trong tháng 5 và 6, Thành phố tổ chức “Tháng hành động cao điểm” kiểm soát giá cả, quản lý thị trường, chống nâng giá bất hợp lý, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Từ nay đến hết năm 2008, sẽ không tăng giá các loại dịch vụ, lệ phí trong thẩm quyền của Thành phố như học phí, viện phí, vé xe buýt, nước sạch, vé qua cầu phà... Đồng thời, UBND Thành phố cũng đã yêu cầu Công ty Vissan và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn không tăng giá thịt heo, riêng Sài Gòn Co.op tiếp tục giảm chiết khấu nhằm đảm bảo hàng trong siêu thị có giá bán thấp hơn bên ngoài; kiên quyết không để hàng hoá tăng giá bất hợp lý.
Mới đây, Uỷ ban Nhân dân TP.HCM cũng đã quyết định dành khoản ngân sách 1.000 tỷ VND để hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nhằm giảm giá bán sản phẩm và hàng hoá thiết yếu từ 5 đến 10% so với giá thị trường./.