(VOV)_ Hiện nay dư luận trong cả nước rất quan tâm đến tình trạng học sinh bỏ học. Vì sao học sinh lại bỏ học và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, đưa học sinh trở lại trường, bảo đảm sự phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo? Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - một người có nhiều năm gắn bó với ngành Giáo dục-Đào tạo và rất tâm huyết, trăn trở với sự phát triển của ngành.
PV: Thưa Giáo sư, hiện nay dư luận rất quan tâm đến tình trạng học sinh bỏ học đang diễn ra tràn lan ở nhiều địa phương trong cả nước. Theo Giáo sư nguyên nhân của vấn đề này là gì?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi muốn nhấn mạnh đến những nguyên nhân sau đây: Thứ nhất là điều kiện kinh tế khó khăn của nhiều gia đình ở nông thôn. Thứ hai là triển vọng có công ăn việc làm sau khi học xong bậc phổ thông khó. Thứ ba là chất lượng đào tạo của chúng ta chưa cao và có thể nói là chưa hấp dẫn được học sinh. Thứ tư là chính đời sống của giáo viên cũng rất khó khăn.
Là một đại biểu Quốc hội ở miền núi, tôi cũng đã có dịp đi đến những vùng sâu, vùng xa, tôi thấy giáo viên ở những vùng đó phải vượt qua rất nhiều gian khổ mới có thể trụ vững được. Thậm chí ở nhiều vùng không có giáo viên địa phương, phải điều từ các huyện, thị lân cận đến dạy nên giáo viên trở thành một công chức, sáng đi chiều về, vì thực ra ở địa phương cũng không có chỗ cho họ ở nên họ cũng không còn nhiều thời gian để quan tâm đến học sinh ngoài giờ học.
PV: Trong rất nhiều nguyên nhân mà Giáo sư vừa nói, thì đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng học sinh bỏ học như hiện nay?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi thấy vừa qua trong dư luận có ý kiến cho rằng, có nguyên nhân do tác động của cuộc vận động “Hai không” mà Bộ Giáo dục-Đào tạo đang triển khai và cũng có nguyên nhân là chương trình nặng nề. Theo tôi, muốn phân tích được nguyên nhân chính yếu, phải nhìn vào con số thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Mặc dù con số thống kê này, như báo chí gần đây đã nói và Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng thừa nhận, là có thể chưa chính xác, do nhiều địa phương báo cáo lên không đúng, nhưng về cơ bản thì cơ cấu của số liệu thống kê phải nói lên được điều gì.
Khoảng trên 100.000 học sinh bỏ học, chúng ta thấy khu vực Đại học và Cao đẳng không có ai. Tôi không tin rằng, chương trình Đại học, Cao đẳng của chúng ta lại tiên tiến, hấp dẫn và nhẹ nhàng hơn chương trình phổ thông. Nhưng tại sao học sinh, sinh viên ở khu vực ấy không bỏ học, vì các em nhìn thấy tương lai của mình, học xong Cao đẳng, Đại học thì có thể có công ăn việc làm, cho nên quyết chí học, kể cả vay tiền để học cũng không bỏ học.
Nhìn vào con số thống kê chúng ta thấy học sinh bỏ học chủ yếu là bậc THCS và THPT, tức là ở khu vực mà các em đã đến tuổi lao động, ít nhất có thể phụ giúp cho gia đình và nếu đến cuối THCS, hoặc đến THPT thậm chí các em có thể là lao động chính giúp đỡ gia đình. Trong hoàn cảnh các em đã đến tuổi lao động, gia đình thì khó khăn, mà học hết THPT cũng chưa chắc đã vào được các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và chưa chắc đã có công ăn việc làm thì giải pháp thực tế mà người dân chọn là cho con em nghỉ ở nhà. Tôi cho đó là nguyên nhân chính, mặc dù phải thừa nhận là cuộc vận động “Hai không” có tác động đến tình trạng học sinh bỏ học chứ không phải là không.
PV: Thưa Giáo sư, để giải quyết tình trạng học sinh bỏ học, cần phải có những giải pháp nào, cả trước mắt cũng như lâu dài?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi xin nói về lâu dài trước: Để giải quyết tình trạng học sinh bỏ học, về lâu dài chúng ta phải phát triển kinh tế-xã hội mạnh hơn nữa; phải tạo nhiều công ăn việc làm, nhiều cơ hội có việc làm cho người dân hơn nữa, đặc biệt là những người đã có trình độ đào tạo ở trường phổ thông, cũng như các trường chuyên nghiệp. Như thế mới mong hấp dẫn học sinh được.
Thời chúng tôi đi học, chúng tôi khó khăn hơn nhiều và học vất vả hơn nhiều, bởi vì mình nhìn thấy nếu mình càng học lên thì càng có tương lai, thì chúng ta phải làm như thế nào để học sinh và cha mẹ học sinh thấy được điều đó, tức là phải có công ăn việc làm, như vậy mới có thể hạn chế và dần dần, có thể nói là, gần như xoá được tình trạng học sinh bỏ học. Mà muốn như vậy, đất nước phải phát triển, phải mở thêm các trường dạy nghề nhiều hơn nữa.
Về giải pháp trước mắt, tôi cho rằng cần phải phân tích kỹ (mà đây là nhiệm vụ của các địa phương) lý do học sinh ở địa phương mình, trường mình bỏ học, từ đó mới đề ra được giải pháp. Tôi cho là không nhất thiết phải ép các em quay trở lại trường phổ thông để các em học, mà có thể tạo điều kiện để các em học những chương trình giáo dục thường xuyên ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục cộng đồng, học như thế các em cũng hoàn thành được chương trình; đồng thời các em vẫn có thể giúp đỡ được gia đình. Các thầy giáo, cô giáo cần nâng cao chất lượng giảng dạy hơn nữa.
Tôi nghĩ chương trình hiện nay của ta không nặng hơn trước đây, thậm chí là một nhà chuyên môn, tôi đảm bảo chương trình môn Ngữ văn hiện nay nhẹ hơn chương trình phổ thông trước đây rất nhiều. Tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XII, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã giới thiệu với Quốc hội một quyển sách Sinh học lớp 11 của Nepal dày tới 600 trang viết bằng tiếng Anh. Một quyển sách Toán phổ thông của Mỹ dày khoảng 1.000 trang. Sách vở chương trình của ta so với những quyển sách như thế thì nhẹ hơn nhiều. Cho nên, vấn đề là thầy giáo, cô giáo phải cải tiến công tác giảng dạy để làm sao việc học nhẹ nhàng hơn, hấp dẫn hơn. Nhà nước cần tiếp tục có chính sách quan tâm nhiều hơn đến học sinh, nhân dân và giáo viên ở các vùng khó khăn.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!./.