|
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương giữa Việt Nam và Belarus |
(VOV)_ Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống nước Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko tại Việt Nam, một Hội nghị bàn tròn giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Belarus diễn ra ngày 7/4 tại Hà Nội. Tại hội nghị này, rất nhiều vấn đề được doanh nghiệp hai nước đề cập, với mục tiêu không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế truyền thống giữa doanh nghiệp hai nước.
Ngay tại hội nghị này, có 3 hợp đồng ngoại thương được ký kết. Đó là hợp đồng giữa Công ty cổ phần kali Belarus và Công ty Hanexim về việc nhập khẩu phân kali của Belarus; Hợp đồng giữa Công ty cổ phần kali Belarus và Công ty Vật tư nông sản về việc nhập khẩu phân kali của Belarus; Hợp đồng giữa Nhà máy máy kéo Minsk và Công ty Mekong về việc nhập khẩu máy kéo vào Việt nam.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước thời gian qua là rất tích cực. Tuy nhiên, còn một số khó khăn nhất định cần giải quyết. Ông Trần Minh Trí, Giám đốc Công ty Mekong, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thiết bị phụ tùng phục vụ ngành nông nghiệp, có quan hệ hợp tác làm ăn lâu năm với doanh nghiệp Belarus cho biết: “Phần lớn các doanh nghiệp phải tự thân vận động. Trong điều kiện hiện tại không thể đòi hỏi nhà nước bên này hay bên kia có một đặc quyền gì cho bất cứ ai. Tuy nhiên, trong việc thanh toán quốc tế các ngân hàng của Việt Nam hiện nay, khi chúng tôi mở L/C thanh toán với khách hàng Belarus thì vẫn phải nhờ đến ngân hàng trung gian. Chi phí bảo lãnh L/C còn cao hơn khi mà chúng tôi làm việc với thị trường khác”.
Còn ông Nikolay Andrianov - Tổng Giám đốc Công ty thép Byelorussian thì cho rằng: “Quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa Việt Nam và Belarus được cụ thể hóa bằng các chương trình hợp tác liên Chính phủ, đó chính là điều kiện không thể thiếu cho sự thành công của mối quan hệ song phương. Chúng tôi nỗ lực tham gia vào phát triển thị trường Việt Nam vì đây là thị trường đang phát triển rất mạnh. Tôi cho rằng, chúng ta cần hoàn thiện hơn nền tảng pháp lý để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp hai nước hoạt động. Thời gian qua, chúng tôi được sự ủng hộ rất lớn từ lãnh đạo hai Nhà nước, đó là điều kiện tốt nhất để hợp tác kinh tế thương mại hai nước phát triển trong thời gian tới”.
Năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Belarus đạt 75 triệu USD, tăng 51% so với năm 2006. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 10 triệu USD và xuất khẩu của Belarus đạt 65 triệu USD. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam là máy móc, thiết bị, vật tư cho các ngành công nghiệp điện, than, khai khoáng, giao thông vận tải… Còn Belarus nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng thủy hải sản, chè, cà phê, gạo, hoa quả tươi, thủ công mỹ nghệ… Mặc dù quan hệ thương mại và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước đang phát triển, nhưng còn chưa tương xứng với tiềm năng và truyền thống quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp hai nước, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, trên cơ sở những nỗ lực đồng bộ của hai nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Về một số hoạt động hợp tác thương mại giữa hai nước thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Belarus, ông Anatoly Rusetsky nói: “Chúng tôi sẵn sàng thành lập văn phòng đại diện các tập đoàn lớn Belarus tại Việt Nam, mở rộng hợp tác liên ngân hàng, hoàn thiện hệ thống vận tải logistic, thường xuyên tiến hành các cuộc triển lãm và nhiều hoạt động quảng bá khác. Sắp tới, chúng tôi có kế hoạch đưa sang Việt Nam phương tiện kỹ thuật như máy kéo, các thiết bị công nghiệp, lốp ô tô, vải và sợi hóa học, thiết bị điện tử, phát triển hợp tác trong lĩnh vực dược phẩm. Chúng tôi hoan nghênh việc nhập khẩu trực tiếp các hàng hóa Việt Nam vào Belarus, như sản phẩm công nghiệp nhẹ, thuốc lá, gạo,cà phê, chè, gia vị, hải sản, quả hạt và quả nhiệt đới…”.
Với những nỗ lực từ doanh nghiệp hai phía, quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam và Cộng hòa Belarus đang mở ra những cơ hội lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu của mỗi nước mà còn tạo điều kiện cho mỗi nước hướng tới thị trường nước thứ ba. Bởi Việt Nam là cầu nối để hàng hóa của Cộng hòa Belarus hướng tới các nước ASEAN. Tương tự, Cộng hòa Belarus là cầu nối có nhiều lợi thế để hàng hóa Việt Nam tới thị trường EU rộng lớn./.