(VOV)_ Sau hơn 3 tháng triển khai kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm trên phạm vi toàn quốc, vừa qua tại Hà Nội, Bộ Khoa học –Công nghệ (KH-CN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết về công tác thanh kiểm tra. Kết quả được chính Bộ KH-CN, cơ quan trực tiếp được Chính phủ giao thực hiện quản lý Nhà nước về chất lượng mũ bảo hiểm, công bố đã khiến cho dư luận cả nước, người tham gia giao thông hàng ngày đội trên đầu chiếc mũ bảo hiểm không khỏi giật mình vì đội mũ, chắc gì đã an toàn khi kết quả thanh tra cho thấy 55% số mẫu mũ bảo hiểm đang lưu hành trên thị trường không đạt tiêu chuẩn chất lượng!...
Thấy gì từ bản báo cáo?
Theo thống kê của Thanh tra Bộ KH-CN, kết quả đợt thanh tra trên phạm vi 64/64 tỉnh thành cả nước đã thực hiện thanh tra 1.809 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm, trong đó phát hiện, xử lý 950 cơ sở có những hành vi vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 52,5%. 401 lượt cơ sở vi phạm Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về ghi nhãn hàng hoá (chủ yếu là các vi phạm: không có nhãn, có nhãn nhưng không đủ nội dung), 144 lượt cơ sở vi phạm về sở hữu công nghiệp (chủ yếu là mũ giả, hàng nhái), 182 lượt cơ sở vi phạm quy định chất lượng, trong đó có 33 lượt cơ sở dùng mũ bảo hiểm kém chất lượng để khuyến mại! 41.289 chiếc bị tiêu huỷ, 61.000 chiếc bị đình chỉ lưu thông và 71.592 chiếc bị niêm phong. Số tiền xử phạt lên đến 1.499.308.000 đồng.
Chưa dừng lại ở đó, kết quả kiểm tra về dấu CS (dấu chất lượng) và nhãn hàng hoá cho thấy có tới 1.563/26.054 lô hàng sản xuất trong nước không có dấu CS. Kết quả kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm đang lưu thông trên thị trường còn đáng lo ngại hơn, 55% các mẫu được lấy thử nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Không những thế, việc quản lý Nhà nước về chất lượng mũ bảo hiểm được ví như thả gà ra đuổi, khi 978/1.560 lô hàng nhập khẩu không có tem chứng nhận, chiếm tới 62,7%. Báo cáo biết, các loại mũ bảo hiểm nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam chủ yếu từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia trong giai đoạn 2005-2007 với số lượng khoảng được 600.000 chiếc, qua kiểm tra, đã phát hiện 25.079 chiếc không đạt chất lượng. Bộ KH-CN thừa nhận : “một lượng khá lớn mũ bảo hiểm nhập khẩu lưu thông trên thị trường hiện nay là là hàng nhập lậu, nhập tiểu ngạch, không qua kiểm tra, không được dán tem chứng nhận của cơ quan kiểm tra chất lượng”…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trả lời câu hỏi chất lượng mũ bảo hiểm, đặc biệt là hàng nhập khẩu đang có vấn đề, trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương hay Bộ KH-CN, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Thắng cho biết, nếu quy trách nhiệm, thì đó là trách nhiệm chung! Bộ KH-CN chỉ chịu trách nhiệm về đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn, yêu cầu bảo đảm về chất lượng cũng như việc kiểm tra trước khi cho lưu hành trên thị trường.
Về kết quả thanh tra 55% các loại mẫu mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, ông Thắng lý giải: “…có thể trong đợt kiểm tra này, trong cùng một lô hàng, kiểm tra thì cho kết quả như vậy nhưng lần kiểm tra tiếp theo, cũng tại lô hàng đó có thể lại cho kết quả khác. Ở đây cho thấy chất lượng của mũ bảo hiểm ngay cùng một chỗ sản xuất đã không đồng đều. Và điều này liên quan đến quy trình công nghệ của doanh nghiệp, liên quan đến vật liệu đầu vào không ổn định. Mặt khác, kết quả này cũng cho thấy sự tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà sản xuất chưa tốt. Có thể họ vì lợi nhuận mà chạy theo sản lượng, không quan tâm nhiều đến chất lượng. Thậm chí có những lô hàng không đạt yêu cầu. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn. Chúng tôi đã có chỉ đạo cho các chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thanh tra các sở phối hợp vơi các bộ phận liên quan tại các địa phương, kiểm tra ngay từ nguồn của mũ bảo hiểm tại các cơ sở sản xuất…”.
Tuy vậy, từ kết quả thanh kiểm tra, một vấn đề đặt ra là công tác giám sát sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm (trách nhiệm của Bộ KH-CN) còn nhiều hạn chế, ngay cả trong một lô hàng, chiếc này đạt, chiếc kia không đạt, chất lượng không đồng đều lại chưa được giải đáp thoả đáng. Ông Thắng phân trần: “hiện nay theo chỉ thị của Bộ, tất cả các trung tâm có trách nhiệm phải bảo đảm việc kiểm tra khi có yêu cầu của Bộ, Sở, Thanh tra hay Chi cục đo lường…”
Cũng theo ông Thắng, trong thời gian vừa qua, Bộ đã tăng cường đầu tư cho các trung tâm thử nghiệm để bảo đảm yêu cầu cho các nhà sản xuất cũng như yêu cầu về bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cho mũ bảo hiểm. Việc kiểm tra được thống nhất về quy trình, có sự tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, bảo đảm cho kết quả kiểm tra của các trung tâm phải giống nhau, bảo đảm tính chính xác. Tuy nhiên, thực tế có những lô hàng, cùng một nhà sản xuất, đợt kiểm tra thứ nhất cho kết quả này, đợt sau cho kết quả khác không phải hoàn toàn do lỗi của các trung tâm mà do sự không đồng đều của chất lượng mũ bảo hiểm. Ở đây là trách nhiệm của nhà sản xuất, quy trình sản xuất chưa ổn định… dẫn đến sự không đồng đều. Tất nhiên, về kỹ thuật, Bộ cũng chỉ đạo các trung tâm chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn, kiểm định thiết bị… để bảo đảm tính chính xác cho cùng một phép thử trên cùng một chiếc mũ.
Ông Thắng nói: “…Chúng ta cũng không thể mang đúng chiếc mũ đã được kiểm định ở trung tâm này, sang trung tâm khác để kiểm tra, nếu có thì chỉ có thể làm được đối với chiếc mũ khác trong cùng một lô và nếu như phép thử cho kết quả khác nhau thì là do bản thân chất lượng của 2 chiếc mũ đó đã khác nhau!” (?)
Rõ ràng, nếu như kết quả kiểm tra, thử nghiệm khác nhau như thế sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện quản lý Nhà nước, kiểm tra, xử lý sai phạm cũng như tạo ra khó khăn cho các nhà sản xuất và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, đặc biệt là sự an toàn tính mạng của người tiêu dùng. Về điều này, Thứ trưởng Thắng thừa nhận: “Đây đúng là một điều rất khó cho quản lý Nhà nước” nhưng để khắc phục: “…tôi thấy các nhà sản xuất phải bảo đảm sự ổn định cho quy trình công nghệ sản xuất, vật liệu đầu vào…”. Thế có nghĩa là việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm hiện nay vẫn chẳng khác nào như thả gà ra đuổi!/.