Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tiếp tục lan rộng

09/04/2008

ND- Đến nay dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả đã lan rộng ra hơn mười tỉnh, thành phố. Qua điều tra dịch tễ, tất cả người mắc đợt dịch này đều có liên quan đến thực phẩm mất an toàn.

Ngày 7- 4 Ninh Bình là địa phương mới nhất ghi nhận có người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguồn gốc phẩy khuẩn tả. BS Trịnh Xuân Ðạt, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình xác nhận người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm đầu tiên ở địa phương này ở xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 105. Như vậy, đến nay dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả đã lan rộng ra các tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Ðịnh, Vĩnh Phúc, Hải Dương. Qua điều tra dịch tễ, tất cả người mắc đợt dịch này đều có liên quan đến thực phẩm mất an toàn.

Trong đợt dịch này, Cục An toàn thực phẩm và Viện Dinh dưỡng đã lấy mẫu xét nghiệm 80 mẫu mắm tôm tại: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Phòng, Hà Nội; kết quả xét nghiệm cho thấy trong tất cả các mẫu đều có vi khuẩn hiếu khí, kỵ khí, nhất là có coliforms, staphylococcus aureus (hai loại vi khuẩn có thể gây tiêu chảy). Hai đơn vị nói trên cũng lấy mẫu rau sống (chưa rửa và rửa rồi), thớt thái thịt (sống và chín) tại một số nhà hàng ở Hà Nội; kết quả xét nghiệm cho thấy, cũng có nhiều loại vi khuẩn như E coli, coliforms... đều vượt mức báo động. PGS Trần Ðáng nhận định:  Nếu   không   kiểm   soát  được vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm ăn ngay, cùng với một số yếu tố về thời tiết (nóng, ẩm làm vi khuẩn dễ phát triển) thì nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng là rất lớn.

* Tại Hải Dương, vừa có thêm người bệnh dương tính với phẩy khuẩn tả. Ðó là anh Triệu Quang Thanh, thôn Phú Quân, xã Cẩm Ðịnh (Cẩm Giàng). Ðến nay, bệnh tiêu chảy cấp tái phát trên địa bàn tỉnh, có hai người bệnh tại các huyện Cẩm Giàng và Bình Giang dương tính với phẩy khuẩn tả. Hai người này đều có liên quan việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương còn nhiều yếu kém. Người dân chủ quan trước dịch bệnh, cho nên vẫn sử dụng thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Tại các ổ dịch, việc kinh doanh thực phẩm có nguy cơ lây nhiễm cao vẫn công khai, chưa qua kiểm tra an toàn thực phẩm. Tỉnh hiện có 7.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhưng chỉ có 8,46% số cơ sở này đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

* Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa có văn bản yêu cầu các sở giáo dục - đào tạo, các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp khẩn trương triển khai phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm và bệnh chân - tay - miệng, đặc biệt chú trọng các nội dung: Tuyên truyền cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ nhà trường tự giác thực hiện và vận động gia đình chủ động phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, trong đó chú ý khâu giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm an toàn; khi phát hiện có dấu hiệu dịch xảy ra tại cơ sở, cần phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương để xử lý kịp thời, không để lây lan tại chỗ và lan rộng ra cộng đồng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, việc khử trùng, khử khuẩn nước sinh hoạt trong nhà trường để bảo đảm vệ sinh môi trường.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)