ẤN TƯỢNG PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC XÂY DỰNG

03/11/2022

Chiều 03/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng. Đã có 36 đại biểu đặt câu hỏi, 1 đại biểu tranh luận và đã có 4 Bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời. Các đại biểu đã đi thẳng vào thực trạng hiện nay đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm rõ nguyên nhân và giải pháp.

ẤN TƯỢNG PHIÊN THẢO LUẬN TOÀN THỂ VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

ẤN TƯỢNG PHIÊN THẢO LUẬN VỀ VIỆC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021

PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI

Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum: “Mục tiêu của nhà ở xã hội là hướng tới người lao động có thu nhập thấp và giải quyết nhà ở giá rẻ là điểm mấu chốt của chính sách nhà ở cho công nhân, người lao động. Xem ra mục tiêu này còn khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Một số liệu cho thấy, giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/1m2 và có nơi là từ 21 đến 25 triệu/1m2.”

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: “Trong thời gian tới, với các giải pháp đồng bộ về pháp luật, sửa đổi, điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội, cải tạo, tăng thêm nguồn cung cũng như chính sách ưu đãi trong phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là thực hiện đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Chúng ta cố gắng đáp ứng mục tiêu đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Cùng với tổng thể, các chính sách đó sẽ đảm bảo giá nhà xã hội sẽ phù hợp hơn với thu nhập của người dân có thu nhập thấp ở khu vực đô thị cũng như công nhân khu công nghiệp.”

 

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: “Thị trường tài chính, thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế là 3 chân kiềng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong dự báo, thế giới có thể đang rơi vào nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Với tư cách là cơ quan có chức năng quản lý về thị trường bất động sản, xin Bộ trưởng cho biết dự báo về xu thế sự phát triển thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới như thế nào. Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại đang gặp phải trong phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam thời gian qua.”

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: “Việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương hiện nay đều gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cung bất động sản sụt giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2022 thì Bộ Xây dựng có đánh giá và dự báo thị trường bất động sản nước ta trong thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn và nguồn cung sẽ tiếp tục bị hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng vẫn còn chưa phù hợp, trong khi nhu cầu của người dân đối với nhà ở phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhà xã hội, nhà công nhân còn rất lớn.”

 

Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: “Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nhà nước về quy hoạch phát triển đô thị đã đạt được những bước tiến mới quan trọng. Tuy nhiên, các vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực này trên địa bàn cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều nơi chất lượng quy hoạch không đảm bảo, đặc biệt là tình trạng quy hoạch nhiều năm không thực hiện hay còn gọi là quy hoạch treo và không ít nơi treo bền vững, gây lãng phí các nguồn lực của xã hội, cản trở sự phát triển chung của đất nước, gây bức xúc trong dư luận và người dân, nhất là những người dân nằm trong khu vực gọi là quy hoạch treo, sống trong chờ đợi mỏi mòn.”

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: “Cử tri phản ánh là có tình trạng người dân sửa chữa nhà cửa tận trong ngõ sâu nhưng mà thanh tra xây dựng vẫn nắm được, trong khi nhiều công trình lớn, thậm chí là các cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng nhưng các cơ quan chức năng cũng không phát hiện ra. Cử tri băn khoăn là liệu có tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong vấn đề này hay không?”

 

Đại biểu Phạm Văn Hòa -  Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: “Việc phát triển nhà ở tái định cư trong thời gian qua khi Nhà nước thu hồi đất còn nhiều bất cập, có nơi có, có nơi không, mà không thì nhiều hơn, có nơi xây dựng chưa tính đến nhu cầu của người dân nên không có người ở để hoang hóa, gây thất thoát, lãng phí.”

 

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Xuất phát từ chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và đảm bảo công bằng, đúng đối tượng nên pháp luật quy định rất cụ thể các thủ tục để áp dụng chính sách này. Cụ thể như là thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và thủ tục miễn tiền sử dụng đất quy định trong Luật Đất đai năm 2013 hoặc như là thủ tục về thẩm định giá nhà ở xã hội, thủ tục xác định về đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, v.v. quy định tại Nghị định 49/2021. Tuy nhiên, chính những điều này đã dẫn đến thủ tục xây dựng nhà ở xã hội nhiều hơn và khó hơn so với các thủ tục xây dựng nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, nhà đầu tư mệt mỏi, bỏ cuộc, từ đó số lượng nhà ở xã hội hoàn thành rất thấp so với chỉ tiêu đề ra.”

 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: “Cử tri cho rằng hiện nay quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, doanh nghiệp ra khỏi khu vực nội thành rất nhiều trường hợp lại được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân theo quy định định hướng chung và như vậy không đạt được mục đích giảm gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành.”

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: “Thị trường bất động sản chưa được kiểm soát tốt, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hợp lý, dòng tiền chủ yếu chảy vào phân khúc bất động sản dành cho người giàu còn người nghèo thì chưa được quan tâm đúng mức.”

 

Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam: “Công nhân lao động, người thu nhập thấp rất phấn khởi khi nghe Bộ trưởng nhắc đến đề án 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp không dưới 10 lần, cảm thấy rất phấn khởi, rất hy vọng. Họ nhắn tin cho tôi và cũng đề nghị gửi tới Bộ trưởng một câu hỏi. Bộ trưởng hãy cho biết rất ngắn gọn những giải pháp, lộ trình, những việc cần phải làm, làm như thế nào, ai làm để có thể thực hiện thành công đề án này.”

Bảo Yến - Phạm Thắng