SỬA ĐỔI LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI DÂN TỐT HƠN VÀ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) là một trong 07 dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 này. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật này, đại biểu Lý Thị Lan – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu Lý Thị Lan góp một số vấn đề thuộc nội dung của dự thảo Luật như sau:
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, việc giải thích khái niệm người tiêu dùng như dự thảo Luật không bao gồm tổ chức là chưa đầy đủ và chưa hợp lý. Thực tiễn cho thấy đã có nhiều tổ chức mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt chung của tổ chức mình.
Cần có quy định chặt chẽ hơn đối với hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng (ảnh minh họa: Internet).
Nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ quyền lợi của các tổ chức này thì luật nào sẽ điều chỉnh, quy định vấn đề này và như vậy quyền lợi của các tổ chức này nói riêng có thể bị xâm phạm, gây thiệt hại và cho toàn xã hội nói chung. Vì vậy, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm cụm từ “tổ chức” vào khái niệm, để đảm bảo chính xác, đầy đủ và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: “Người tiêu dùng là tổ chức, cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”.
Thứ hai, tại khoản 2 Điều 3 dự thảo quy định “Tổ chức, cá nhân kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ trên thị trường ...”.
Đại biểu Lý Thị Lan cho rằng, quy định như dự án Luật là chưa rõ việc áp dụng của Luật này đối với sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam để tiêu dùng. Thực tế trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế, nhất là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa giữa nước ta với các nước trên thế giới đặc biệt là số lượng sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam để bán cho người tiêu dùng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát về chất lượng, giá cả đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng. Thực tế có không ít sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng thì giá cả đã tăng lên nhiều hoặc chất lượng không bảo đảm. Đây là vấn đề cần phải quy định rõ đối với các sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam để bán cho những người tiêu dùng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung nhập khẩu, tiêu thụ vào ngay sau từ tiêu thụ cho phù hợp, cụ thể: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hoặc nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa ...”; đồng thời đề nghị rà soát các quy định khác của dự thảo Luật.
Đại biểu Lý Thị Lan – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.
Thứ ba, đối với Điều 7 Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Tại điểm b khoản 3 dự thảo quy định “Áp dụng cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu Lý Thị Lan nhận định, quy định như dự án Luật là chưa đầy đủ, vì thực tiễn cho thấy, trong quá trình giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng không chỉ phát sinh khiếu nại, tranh chấp mà còn phát sinh kiến nghị của người tiêu dùng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh về vấn đề có liên quan hoặc người tiêu dùng tố cáo tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Do đó, việc giải quyết kiến nghị, tố cáo này cũng cần được áp dụng cơ chế phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng.
Mặt khác, việc áp dụng cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, rà soát cho thấy Luật Khiếu nại, Luật Thương mại và các luật hiện hành khác chưa có quy định cụ thể về cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng. Vì vậy, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị bổ sung thêm nội dung quy định rõ về cơ chế khiếu nại, giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng và bổ sung quy định đầy đủ, cụ thể về việc kiến nghị, tố cáo và giải quyết kiến nghị, tố cáo được áp dụng cơ chế phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng trong dự thảo Luật này.
Thứ tư, đối với Chương VI quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về cơ bản, đại biểu Lý Thị Lan tán thành với nhiều nội dung của chương này. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan (Chính phủ, bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp) thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chẳng hạn như Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nếu không quy định thì Chính phủ sẽ không có cơ sở để thực hiện. Tương tự như vậy, nếu có quy định nội dung quản lý nhà nước thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp sẽ căn cứ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn mà cơ quan chịu trách nhiệm quản lý./.