KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT GÓP PHẦN THIẾT THỰC CHO PHÁT TRIỂN

23/05/2022

Chiều 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Các đại biểu đánh giá cao những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời đề xuất một số nội dung nhằm phát huy hơn nữa những nội dung đổi mới.

 

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ từ quy định của pháp luật, cũng như xuất phát từ tình hình thực tế của năm 2021 là năm chuyển giao giữa 02 nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không tiến hành giám sát chuyên đề; Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tổ chức chất vấn tại các phiên họp. Các nhiệm vụ khác theo chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đều đã được hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Trong đó, phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2 đã thành công tốt đẹp; với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về cách thức tổ chức chất vấn, trình tự, thủ tục lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và ban hành nghị quyết chất vấn. Đáng chú ý là kể từ phiên họp thứ 2 (tháng 8/2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa công tác dân nguyện thành hoạt động thường xuyên, định kỳ xem xét, thảo luận tại phiên họp hằng tháng.

Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với tinh thần “Quốc hội hành động”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội để tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và phối hợp với Chỉnh phủ trong công tác phòng, chống COVID-19; qua đó, đã góp phần quan trọng cùng cả nước xử lý kịp thời và kiểm soát được dịch COVID-19.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, việc xây dựng và triển khai Chương trình giám sát năm 2022 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có một số điểm đổi mới so với thông lệ trước đây. Lần đầu tiên, các Đoàn giám sát có mời thêm sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan có liên quan, các chuyên gia và đặc biệt là sử dụng tối đa các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Các Đoàn giám sát ban hành Nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đoàn giám sát. Căn cứ tình hình thực tế và các báo cáo liên quan, Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cơ quan, địa phương, cơ sở để tổ chức giám sát trực tiếp. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức việc thực hiện giám sát và gửi báo cáo về Đoàn giám sát; đồng thời, huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.

Đặc biệt, Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội là không ban hành kèm theo kế hoạch giám sát mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề; xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết để tạo sự chủ động cho Đoàn giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản tán thành với những nội dung đánh giá trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng các nội dung trong Tờ trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. Các đại biểu nhất trí với đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, việc xây dựng chương trình và kết quả bước đầu thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 cũng như dự kiến Chương trình giám sát 2023.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho biết những đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm qua nhận được sự quan tâm, đồng thuận của cử tri, Nhân dân cả nước và các cơ quan, địa phương. Đại biểu nêu rõ, lần đầu tiên của nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc để triển khai chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan giám sát và đơn vị được giám sát, tạo sự đồng thuận, thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện và hình thức này cần tiếp tục được thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu

Hoạt động giám sát chuyên đề có nhiều đổi mới như không xác định đơn vị được giám sát ngay từ đầu mà căn cứ vào báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát và chịu sự giám sát và kết quả giám sát của 63 Đoàn đại biểu Quốc Hội để lựa chọn đơn vị được giám sát. Công tác chuẩn bị giám sát kỹ lưỡng, chuẩn bị từ sớm, từ xa và có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Kiểm toán, Thanh tra Chính phủ để nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề. Nhiều báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện các chương trình, dự án được dư luận xã hội và cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm được báo cáo tại kỳ họp để Quốc hội xem xét, thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, qua thực hiện chương trình giám sát đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị để phát huy tính tích cực, điều chỉnh, bổ sung, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách và kịp thời chấn chỉnh những sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện và qua đó đã góp phần thúc đẩy thực hiện tốt chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Các vấn đề được lựa chọn để đưa vào chất vấn đúng và trúng là những vấn đề nóng, đã bám sát thực tiễn, hơi thở cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và cử tri.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu cũng ghi nhận một trong những nét đổi mới nổi bật trong hoạt động giám sát là hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương và tài nguyên môi trường được kết nối truyền hình trực tiếp với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và được Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội và được phát thanh trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi và giám sát. Đại biểu cho biết phiên chất vấn đã được cử tri đánh giá rất cao, được dư luận đồng tình ủng hộ và qua đó cũng đã góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Quốc hội sớm nghiên cứu để ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Tiếp tục nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội theo hướng cần ngắn gọn hơn, trọng tâm tập trung vào những vấn đề ở trong tờ trình và dự thảo nghị quyết luật còn chưa cụ thể và có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau, trái chiều và những vấn đề cần xin ý kiến.

Liên quan đến thực hiện giám sát chuyên đề năm 2023, đại biểu đề nghị giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố chủ trì triển khai các cuộc giám sát chuyên đề tại địa phương và Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp giám sát thay vì  giao cho Hội đồng nhân dân các tỉnh cùng tổ chức giám sát ở trên địa bàn về cùng một nội dung giám sát với Đoàn đại biểu Quốc hội để bảo đảm không trùng lặp và hợp lý trong tổ chức phục vụ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Địn

Đánh giá việc thực hiện Chương trình giám sát năm 2022, đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định chia sẻ các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng hết sức có trách nhiệm đối với việc thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho về việc thực hiện các giám sát chuyên đề ở địa phương. Song trong quá trình thực hiện với những khó khăn hạn chế của Đoàn đại biểu Quốc hội khi tiến hành giám sát ở địa phương như số lượng đại biểu ở mỗi Đoàn ít, chuyên gia ở địa phương cũng rất hạn chế, việc có được các tài liệu như kết quả kiểm toán thanh tra ở địa phương cũng rất hạn chế. Ngoài ra, một số vấn đề theo đề cương của Đoàn giám sát khi giám sát ở địa phương không thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương mà thuộc thẩm quyền của trung ương, cho nên Đoàn đại biểu Quốc hội khó có thể đưa ra kết luận. Do đó, đại biểu đề nghị có đề cương giám sát riêng cho địa phương, cho phép địa phương lựa chọn một số nội dung cụ thể trong nội dung chung của Đoàn giám sát phù hợp với tình hình ở địa phương để tiến hành giám sát.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu và hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội./.

Bảo Yến - Phạm Thắng