ĐBQH PHẠM THỊ HỒNG YẾN: CẦN LÀM RÕ NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI KHÔNG ĐẢM BẢO ĐÚNG TIẾN ĐỘ THÔNG TOÀN TUYẾN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

23/05/2022

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu quan điểm: Cần làm rõ vướng mắc, khó khăn cũng như nguyên nhân dẫn tới không đảm bảo đúng tiến độ thông tuyến đường Hồ Chí Minh như quy định cũng như không bảo đảm phân kỳ đầu tư đã quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.


Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 24/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Tiếp đến, trong chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận ở Tổ về nội dung này và đến ngày 10/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường.

Đóng góp ý kiến vào tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, thay mặt Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận khẳng định: Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 từ năm 2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km và dự kiến thông tuyến vào năm 2010.

Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Theo đó, phân kỳ đầu tư đến năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với 02 làn xe. Qua 18 năm thực hiện 02 nghị quyết của Quốc hội, theo Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020, đã hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 2.362 km/2.744km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh.


Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

Thay mặt Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến cho biết, Ủy ban cơ bản hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh đã tạo nên trục dọc đường bộ xuyên Việt thứ hai ở khu vực phía Tây Tổ quốc cùng với Quốc lộ 1 ở phía Đông tạo sự liên hệ chặt chẽ giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam, bảo đảm giao thông thông suốt, giảm chi phí vận tải; hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển vùng đất giàu tiềm năng ở phía Tây; góp phần phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của cả nước; liên kết các khu đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp.

Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 66/2013/QH13, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện vẫn còn một số bất cập. Đó là đến cuối năm 2021, dự án vẫn đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại 171 km cần tiếp tục cân đối bố trí vốn để triển khai, nối thông toàn tuyến; trong 5 năm (2017 - 2021), dự án chỉ triển khai được khoảng 7% tổng khối lượng. Như vậy, dự án không bảo đảm đúng tiến độ, đến năm 2021 (quá 01 năm so với thời gian quy định tại Nghị quyết 66) mục tiêu thông toàn tuyến vẫn chưa hoàn thành; không bảo đảm phân kỳ đầu tư đã quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ vướng mắc, khó khăn cũng như nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới việc chậm trễ (171 km vẫn chưa triển khai thực hiện); làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan để xử lý dứt điểm, đẩy mạnh tiến độ, sớm hoàn thiện toàn bộ dự án. Ngoài ra, đề nghị làm rõ hơn về thay đổi chiều dài tuyến chính của dự án, từ 2.499 km (theo Nghị quyết 66/2012/QH13) lên 2.744 km.

Việc chưa bảo đảm phân bổ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020 như yêu cầu của Nghị quyết số 66/2013/QH13 là vấn đề cần được quan tâm làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Về công tác quyết toán dự án hoàn thành, theo Báo cáo, đối với các dự án thành phần triển khai từ năm 2007 đến nay đã trình phê duyệt quyết toán 38 dự án thành phần, trong đó 35 dự án thành phần đã được phê duyệt (29 dự án sử dụng vốn TPCP và 06 dự án BOT). Tuy nhiên, các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi chưa được phê duyệt, đề nghị báo cáo cụ thể về tiến độ thực hiện, phê duyệt quyết toán, các vướng mắc (nếu có) của các dự án thành phần sử dụng nguồn vốn ODA (Cầu Cao Lãnh; Tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống; cầu Vàm Cống; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi).

Tiến độ triển khai một dự án thành phần, công tác phối hợp, bàn giao mặt bằng của một số địa phương còn chậm; công tác quản lý quy hoạch, quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ chưa tốt, có tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trong phạm vi an toàn (xây dựng nhà ở, lều quán, công trình… trên đất vườn thuộc hành lang an toàn đường bộ), gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo cụ thể về tình trạng nêu trên, đồng thời đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương để phát hiện và xử lý kịp thời. Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo thêm về công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa khi nhiều đoạn tuyến theo phản ánh chưa được sửa chữa đúng thời hạn quy định, rạn nứt, ổ gà, lún võng, nguy cơ mất an toàn giao thông; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và hướng xử lý với một số đoạn tuyến sau khi hoàn thành thi công vẫn gắn biển "đoạn đường chờ lún".

Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung báo cáo, làm rõ lý do dự án thành phần đoạn Đoan Hùng – Chợ Bến (kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT) không thể triển khai được. Ngoài ra, một số dự án mở rộng qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14 cũ) đầu tư theo hình thức BOT trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo cũng hạn chế sự lựa chọn của người dân; báo cáo bổ sung phương án, giải pháp xử lý đối với các đoạn tuyến đi trùng của đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với đường Hồ Chí Minh.

Về kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn sau 2020-2021, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, với mục tiêu tập trung triển khai nối thông toàn tuyến theo quy mô 2 làn xe, tiếp tục đầu tư các đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh để khai thác tối đa tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hỗ trợ phát triển khu vực phía Tây, Thường trực Ủy ban Kinh tế có một số lưu ý. Đó là về vấn đề ưu tiên trong việc phân bổ ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 66/2013/QH13, dự án đường Hồ Chí Minh được chuyển tiếp triển khai đầu tư sau năm 2020, tuy nhiên, hiện nay chưa được bố trí đầy đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 (đã được thông qua), trong khi đó nhiều dự án mới lại được đưa vào danh mục và bố trí vốn thực hiện, dẫn tới tình trạng kéo dài, dở dang và lãng phí. Do đó, đề nghị Chính phủ giải trình rõ lý do, đồng thời kiến nghị tiếp tục rà soát, cân đối, sắp xếp đủ nguồn lực, quyết tâm hoàn thành thông toàn tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trong trường hợp nguồn vốn không đáp ứng được, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm để bảo đảm đủ vốn cho việc triển khai các đoạn tuyến. Đối với những dự án Chính phủ đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công, đề nghị cần làm rõ lý do chuyển đổi, dự kiến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong bối cảnh nhu cầu vốn là rất lớn, nguồn lực có hạn.

Bên cạnh việc tập trung nguồn lực để thông tuyến đến năm 2025 như mục tiêu đặt ra, đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn lộ trình và tiêu chí, căn cứ về việc phân kỳ đầu tư để hoàn thành tuyến đường theo quy hoạch, khả năng cân đối từ nguồn ngân sách Nhà nước, tính khả thi với phương án huy động các nguồn xã hội (trên 50%) khi tổng nhu cầu nguồn vốn trong cả giai đoạn là rất lớn; đồng thời việc đánh giá lưu lượng xe và hiệu quả mà tuyến đường mang lại còn chưa thực sự rõ ràng. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan rà soát dự án đường Hồ Chí Minh, có giải pháp giải quyết kiến nghị của tỉnh Thái Nguyên về đoạn đường còn lại kết nối giữa tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ các giải pháp đối với các đoạn đi trùng với các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, khoảng 287 km (Vinh – Bãi Vọt, Bãi Vọt – Hàm Nghi, Vũng Ánh – Bùng, Bùng – Cam Lộ); phối hợp với các địa phương, khảo sát hiện trạng, so sánh và cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn hướng tuyến phù hợp; tính toán hệ thống đường gom kết nối, hình thành tuyến đường gom dân sinh song hành với các cao tốc, kết hợp với các hầm chui, cầu vượt phục vụ dân sinh, tạo thành mạng lưới giao thông phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt của người dân; xây dựng phương án hệ thống các đường nhánh bảo đảm tính khoa học, hợp lý tránh sự cố khi các phương tiện của 02 hướng tuyến dồn về. Ngoài ra, đề nghị có báo cáo làm rõ, đưa ra quan điểm về hướng đầu tư, tính toán đưa ra giải pháp khả thi, hiệu quả khi dự án thành phần Cổ Tiết – Chợ Bến (dài 87,5km) có đoạn đi trùng với đường Vành đai 5 Hà Nội.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đường Hồ Chí Minh; các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh có đường Hồ Chí Minh đi qua mà đang triển khai thi công như tiếp tục quan tâm chỉ đạo có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện tốt công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ./.

Bích Lan