Bế mạc phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

11/01/2018

Sáng 11/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 20.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp thứ 20 của UBTVQH               Ảnh: Đình Nam

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 1,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 20, tập trung cho ý kiến về 3 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và các nội dung khác. Các nội dung đã có kết luận cụ thể và sẽ được gửi thông báo đến các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Đối với 3 dự án luật là Luật Quốc phòng (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban phối hợp chặt chẽ với Ban Soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến tại phiên họp này cũng như tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn chỉnh dự án luật gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến tại địa phương. Đồng thời sẽ trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào đầu tháng 4 năm 2018.

Sau khi xem xét tờ trình của Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất không ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước mà giao cho Kiểm toán Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để tiến hành tổng kết thực tiễn, đánh giá việc thực hiện luật, đề xuất những nội dung cần sửa đổi để bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước và trình Quốc hội xem xét, đảm bảo việc sửa đổi được toàn diện và đúng quy định.

Về điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2017- 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án hồ chứa nước Kroong Pách thượng, tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện hai dự án này về việc xem xét phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời rà soát tất cả các dự án thủy lợi khác có đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ để báo cáo tổng thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, bảo đảm hoàn thành sớm để sử dụng có hiệu quả các công trình này. 

Về công tác triển khai, phân công chuẩn bị Hội nghị APPF- 26, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là hội nghị lớn nhất của Quốc hội về hoạt động đối ngoại trong nước trong năm 2018, do đó cần cố gắng để hội nghị thành công tốt đẹp; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị cho phiên họp lần thứ 21 vào trước Tết, đề nghị các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở nghị quyết Đại hội XII bắt đầu chỉ đạo chuẩn bị để xem lại hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đánh giá từng lĩnh vực được phân công phụ trách và chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho APPF-26

Trước đó dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về công tác triển khai và việc phân công chuẩn bị Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF- 26).

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo tóm tắt về công tác chuẩn bị cho APPF-26

Trình bày Báo cáo tóm tắt về công tác triển khai, việc phân công chuẩn bị Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF- 26), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, hội nghị APPF- 26 là một sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng, mở đầu cho hoạt động ngoại giao lớn của Nhà nước ta trong năm 2018, do đó, Ban Tổ chức và các cơ quan giúp việc cho Ban Tổ chức xác định nhiệm vụ trọng tâm là chấp hành nghiêm các nhiệm vụ được giao và các ý kiến chỉ đạo của các cấp. Về cơ bản, các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị đạt tiến độ đề ra, mặc dù xét về quy mô Hội nghị của APPF có quy mô nhỏ hơn so với Đại hội đồng IPU nhưng APPF không có Ban thư ký chuyên nghiệp nên mọi công việc do nước chủ nhà đảm nhiệm. Ngoài các nội dung của nước chủ nhà, các nội dung các nước đề xuất cũng phải được dẫn dắt khéo léo để bảo đảm nội dung của Hội nghị, thúc đẩy thông qua được văn kiện mang tính chất dấu ấn lịch sử của APPF.

Liên quan đến công tác lễ tân, an ninh, y tế, công tác thông tin tuyên truyền, đảm bảo thành công của APPF- 26, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, Ban Tổ chức có hơn 10 đề án và kế hoạch rất chi tiết, dự trù tất cả các phương án và kịch bản. Đặc biệt, Ban Tổ chức cũng dự phòng các phương án tắc đường, có tính phức tạp; vấn đề an toàn thực phẩm, công tác bảo vệ sức khỏe; công tác tuyên truyền, công tác quảng bá, trang trí cũng được chỉ đạo triển khai một cách thận trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận nội dung thảo luận về công tác chuẩn bị cho APPF-26

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ hoan nghênh Ban Tổ chức, Ban Thư ký, Tiểu Ban Thông tin và Truyền thông, Lễ tân- Hậu cần và An ninh- Y tế đã hoạt động rất tích cực để sẵn sàng cho việc khai mạc Hội nghị APPF- 26 tại Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban Thư ký và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu để hoàn thiện, phân công các thành viên tham gia các phiên họp của Hội nghị. Đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến tuyên bố Hà Nội, các nghị quyết của Hội nghị. 

Bảo Yến