Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp
Bổ sung hệ thống thông tin quốc gia bảo đảm tính linh hoạt
Theo Báo cáo kết quả dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung lớn của dự án Luật An ninh mạng do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày, tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Trong đó, nhiều ý kiến nhất trí phải xác lập hệ thống thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đồng thời, đề nghị quy định rõ tiêu chí và các loại hệ thống thông tin. Có ý kiến đề nghị bổ sung hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa; đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật An toàn thông tin mạng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã bổ sung, chỉnh lý tiêu chí tại Khoản 1, Điều 9 và các loại hệ thống thông tin tại Khoản 2, Điều 9 cho rõ hơn; căn cứ tiêu chí tại Khoản 1 và lĩnh vực có hệ thống thông tin tại Khoản 2, Điều 9 giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia cho linh hoạt.
Một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến quản lý về an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam (Khoản 4, Điều 27). Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng mạng viễn thông, internet xuyên quốc gia vào Việt Nam vi phạm pháp luật, nhất là tuyên truyền chống Nhà nước, kích động chống đối, phá hoại an ninh, gây rối trật tự công cộng... thì bắt buộc một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam là cần thiết.
Qua tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã lược bỏ quy định “đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam” và chỉnh lý theo hướng “lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng Việt Nam và các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản, Khoản 4, Điều 27”. Tuy nhiên, đây là nội dung nhạy cảm, có liên quan đến quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội… Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.
Cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo, các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo lý giải thêm về các phương án. Đơn cử, có cần thiết phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam? Nếu không đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam thì liệu có kiểm soát được thông tin xấu, độc phát tán trên lãnh thổ Việt Nam không và kiểm soát như thế nào?
Một số ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định trong dự thảo Luật cần nghiên cứu kỹ, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh xâm phạm quyền con người và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, về quy định quản lý về an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam cần tiếp tục xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy định này cần mang tính khả thi cao, tránh gây bất cập khi áp dụng trong thực tiễn.
Giữ quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng
Trình bày Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, dự thảo Luật vẫn quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng nhằm thể chế Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”; cụ thể hóa Khoản 13 Điều 70 Hiến pháp 2013 “quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia”. Kế thừa Điều 31 Luật Quốc phòng hiện hành, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với Điều 21, Điều 48 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2014, Điều 44 Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và khoản 1 Điều 5 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày báo cáo tại phiên họp
Việc quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” tại dự thảo Luật là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quốc phòng, bảo đảm quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Do vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giữ nguyên quy định này như dự thảo Chính phủ trình.
Thống nhất với quan điểm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về quy định nêu trên, nhưng một số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội băn khoăn, liệu tấn công không gian mạng có đặt trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh hay không? Đáng lưu ý, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đặt câu hỏi: Chiến tranh sinh học, chiến tranh hóa học có nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Quốc phòng hay không?
Liên quan đến quy định trưng mua, trưng dụng tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần rà soát lại quy định của dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi), tránh chồng chéo, trùng lặp với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 về thẩm quyền, nguyên tắc và đối tượng trưng mua, trưng dụng tài sản…