Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp Ảnh: Đình Nam
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Báo cáo Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ. Theo đó, năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016, thể hiện trên các tiêu chí: số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 11%, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 25,6%, tuy nhiên số đoàn đông người tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2016 đến nay nhìn chung có giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Điều đáng lo ngại là một số thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích, biểu tình, chống đối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra
Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày, báo cáo của Chính phủ cơ bản đã phản ánh khá toàn diện về tình hình, những nguyên nhân chính phát sinh khiếu nại, tố cáo; những chuyển biến tích cực cũng như những hạn chế, tồn tại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian từ 01/8/2016 đến 01/8/2017; đồng thời, đề ra một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc về kết quả và chất lượng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc phân tích, đánh giá nguyên nhân tăng, giảm các số liệu trên cơ sở có so sánh với các năm trước nên tính thuyết phục chưa cao; chưa có đầy đủ số liệu kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu nơi có vi phạm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo;một số nguyên nhân và giải pháp còn chung chung chưa thể hiện rõ nội dung mới của năm 2017, kiến nghị còn ít và chưa cụ thể; những bất cập trong thực tiễn giải quyết tố cáo chưa gắn với việc nghiên cứu sửa đổi Luật Tố cáo.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, Thường trực Uỷ ban Pháp luật cơ bản nhất trí với đánh giá cho rằng tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm 2017 vẫn diễn biến phức tạp và gay gắt với một số biểu hiện như đã được nêu trong báo cáo của Chính phủ.
Tuy nhiên, báo cáo cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về tình hình khiếu nại, tố cáo trong năm qua,từ đó mới đưa ra được giải pháp thiết thực, có hiệu quả. Nhất là về tình trạng lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây mất trật tự, an ninh tại trụ sở cơ quan nhà nước ở Trung ương; việc phản ứng của người dân với nhiều hình thức mới, tiềm ẩn sự bất ổn cho xã hội trong một số vụ việc gần đây.
Về công tác tiếp công dân, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh cơ bản đầy đủ các nội dung về công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước như công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân... Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn số liệu vụ việc tiếp nhận qua tiếp công dân của các Bộ, ngành và địa phương trên các tiêu chí khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị, phản ánh; đánh giá cụ thể về chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc tiếp công dân, việc tổ chức đối thoại trong tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về công tác tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thường trực Uỷ ban Pháp luật cơ bản nhất trí với những đánh giá của Chính phủ về những chuyển biến tích cực, những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, báo cáo cần làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và cả kết quả đạt được của công tác này; bổ sung số liệu và phân tích về số vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết mà công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện. Báo cáo cũng chưa nêu rõ được kết quả giải quyết đối với những khiếu nại, tố cáo của năm trước chuyển sang; chưa phân tích việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, nhất là những quyết định của những năm trước chưa thực hiện. Đồng thời cần nêu rõ tên Bộ, ngành, địa phương có vi phạm, xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng này và kết quả xử lý vi phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, còn tồn tạinhững khiếu nại chưa giải quyết được qua nhiều năm, đặc biệt là khiếu nại về đất đai chiếm khoảng 70%, khiếu nại về vấn đề tài nguyên, khai thác cát sỏi, quyết định đặt trạm thu phí BOT… Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng những vấn đề này cần giải quyết ngay từ khi mới manh nha, tránh để tồn tại qua nhiều năm.
Cho rằng pháp luật chưa có quy định cụ thể về điểm dừng trong giải quyết khiếu nại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định cơ quan có thẩm quyền phải thông báo chấm dứt khiếu nại. Đồng thời, cần có một phần mềm kết nối toàn quốc, truy cập phần mềm đó trên cả hệ thống chính trị, các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể... để biết các vụ án do ai đang giải quyết, đã chấm dứt khiếu nại chưa, tránh tình trạng đơn thư vẫn tiếp tục gửi vòng vo.
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là Chủ nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là rất quan trọng.Người đứng đầu phải tổ chức tiếp dân theo định kỳ, phải trực tiếp giải quyết chứ không giao cho cấp phó. Làm như vậy sẽ giúp giải quyết khiếu nại ngay từ đầu, giảm được tình trạng khiếu nại tồn đọng nhiều.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát tối cao về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2017, tuy nhiên các báo cáo cần bổ sung, hoàn thiện để đảm bảo độ chính xác hơn. Các ý kiến Ủy ban thường vụ đề nghị các cơ quan chuẩn xác lại số liệu, đánh giá sát hơn tình hình ở 1 số địa phương cụ thể để báo cáo sát với tình hình thực tế. Đồng thời cần làm rõ hơn số vụ tồn đọng phức tạp kéo dài đến bây giờ, nêu rõ nguyên nhân là gì, trách nhiệm của ai, cơ quan nào?
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoàn thiện lại báo cáo trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 4.