Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

14/09/2017

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 14, sáng 14/9, tại phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Phiên họp                      Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình tóm tắt về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, tình hình môi trường kinh doanh cả trong nước và quốc tế có nhiều biến động so với thời điểm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Cạnh tranh 2004. Những thay đổi, chuyển biến lớn trong môi trường kinh doanh đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều phương thức cạnh tranh và kinh doanh mới mà Luật Cạnh tranh 2004 chưa dự liệu hết được. Các phương thức cạnh tranh và kinh doanh mới đó đã và đang làm thay đổi cấu trúc của nhiều thị trường quan trọng và tác động một cách trực tiếp đến các chủ thể trên thị trường. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh 2004 là cần thiết.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, dự thảo Luật cũng đã bổ sung các quy định để hoàn thiện mô hình cơ quan cạnh tranh hơn. Theo đó, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương) và Hội đồng cạnh tranh. Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương. Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cạnh tranh nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế, tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tính minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh, có ý kiến đề nghị cần quy định mô hình cơ quan cạnh tranh độc lập thuộc Chính phủ bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh. Thường trực Ủy ban đề nghị quy định nguyên tắc ngay trong Luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh, đề cao vai trò, tăng cường trách nhiệm và bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan cạnh tranh, bảo đảm cơ quan này có đủ thẩm quyền để thực thi pháp luật về cạnh tranh, thực hiện nhiệm vụ điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, bảo đảm tính minh bạch của các quy định về tố tụng cạnh tranh cũng như quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng cạnh tranh.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Phiên họp

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan hành chính bán tư pháp là mô hình rất mới trong dự thảo Luật lần này. Tuy nhiên, trong Điều 7 của dự thảo chưa thấy quy định rõ ràng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia, nhưng trong tất cả các chương còn lại thì nhắc đến cơ quan này rất nhiều. Vậy cơ quan này là ai mà nhiệm vụ, quyền hạn lại nhiều đến thế? Với địa vị pháp lý là cơ quan hành chính bán tư pháp, nhưng nhiều quyền hành như vậy thì có phù hợp hay không?

Cùng băn khoăn về tính độc lập của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, chỉ khi sửa Luật Cạnh tranh theo hướng xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập với Bộ chủ quản, mới hy vọng bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng hiện lại sửa đổi Luật theo hướng cơ quan chủ quản trở thành Cơ quan cạnh tranh Quốc gia, tức là Cục Quản lý cạnh tranh trở thành cơ quan tố tụng cần hết sức cân nhắc. Bởi khi cơ quan chủ quản lại quản lý một số doanh nghiệp lớn sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm, sân sau, bắt tay “kinh tế ngầm”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga đặt câu hỏi, thời gian qua, Chính phủ đã xử lý được bao nhiêu vụ việc cạnh tranh không lành mạnh? Với cơ chế “lùng nhùng” vừa quản lý nhà nước vừa là cơ quan tố tụng cạnh tranh, lại vừa chủ quản của các doanh nghiệp thì có thể chống lại những bất cập như thời gian vừa qua như lợi ích nhóm, sân sau, bắt tay ngầm hay không?

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, thực tế nghiên cứu đánh giá từ kinh nghiệm thực tiễn các nước cho thấy, dù cơ quan quản lý cạnh tranh nằm ở nhánh nào trong cơ quan quyền lực lập pháp, hành pháp, trực thuộc Chính phủ hay trực cơ quan của Chính phủ thì vẫn phải có vị trí pháp lý và khung cơ chế chính sách đi kèm để bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong điều hành, và thực hiện chức năng của cơ quan quản lý về cạnh tranh.

Bộ trưởng cho rằng, thực tế các nước thấy đa phần thuộc Chính phủ hay cơ quan của Chính phủ, một số ít nước trực thuộc Quốc hội hoặc cơ quan khác. Điều này cho phép trong hoạt động và điều hành của cơ quan quản lý cạnh tranh có sự linh hoạt, trong thực thi các nhiệm vụ liên quan, thực thi xây dựng môi trường đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức…Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cũng gặp phải những vướng mắc, xung đột trong xây dựng pháp luật cũng như thực thi pháp luật, chính sách. Bộ Công Thương hay bất kỳ bộ, ngành nào thuộc Chính phủ đều chịu xung đột ở khía cạnh này vì vừa là thành viên của Chính phủ để xây dựng chính sách, pháp luật, lại trực tiếp là cơ quan chủ quản của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý nhà nước. Vì vậy, dự thảo Luật sẽ cố gắng tối đa xây dựng những cơ chế, nguyên tắc cơ bản để bảo đảm sự vận hành, mức độ độc lập và thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh.

Chi An

Các bài viết khác