Thông báo Thi tuyển công chức của Văn phòng Quốc hội năm 2017

30/08/2017

Căn cứ Kế hoạch số 2538/KH-VPQH ngày 21 tháng 8 năm 2017 của Văn phòng Quốc hội ban hành Kế hoạch thi tuyển công chức của Văn phòng Quốc hội năm 2017, Văn phòng Quốc hội thông báo tuyển dụng công chức cụ thể như sau:

I. ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, HỒ SƠ VÀ ƯU TIÊN TRONG THI TUYỂN

1. Điều kiện, tiêu chuẩn chung

1.1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển:

- Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

- Từ 22 tuổi trở lên;

- Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

- Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ;

- Có Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức (Quyết định số 177/QĐ-TCBT ngày 30/01/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) hoặc Chứng chỉ A2 (Quyết định số 66/2008/BGDĐT ngày 02/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) hoặc chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc chứng chỉ tương đương (chứng chỉ A2 theo khung tham chiếu chung Châu Âu, IELTS  4.5, TOEFL® iBT  32,TOEFL cBT(Computer Based) 127, TOEFL pBT(Paper Based) 400, TOEIC  381);  

- Có Chứng chỉ tin học Văn phòng hoặc Chứng chỉ tin học trình độ A trở lên hoặc Chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin;

- Có Bằng tốt nghiệp Đại học trở lên với chuyên môn đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển. (Đối với vị trí Kế toán phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Tài chính, Kế toán, Kiểm toán và không là đối tượng đang bị cấm hành nghề kế toán);

1.2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển:        

a. Không cư trú tại Việt Nam;

b. Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể

Các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển được quy định tại Phụ lục kèm theo.

3. Đối tượng và điểm ưu tiên trong thi tuyển công chức

a. Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh: được cộng 30 điểm vào tổng số điểm thi tuyển;

b. Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19/8/1945 trở về trước), con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: được cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển;

c. Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ: được cộng 10 điểm vào tổng số điểm thi tuyển.

d. Trường hợp người dự thi tuyển công chức thuộc nhiều diện ưu tiên khác nhau thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả thi tuyển.

4. Quy định về Hồ sơ dự tuyển

4.1. Hồ sơ dự tuyển

Người đăng ký dự tuyển phải nộp 02 (hai) bộ hồ sơ dự thi tại đơn vị đăng ký dự tuyển, bao gồm các giấy tờ sau đây:

a. Đơn xin dự thi tuyển (theo mẫu);

b. Sơ yếu lý lịch khai theo mẫu quy định của Nhà nước có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;

Trường hợp người đăng ký dự tuyển đang là viên chức các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước; sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân Việt Nam nếu đăng ký dự thi phải được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng (theo quy định về phân cấp) có văn bản đồng ý cho dự thi tuyển công chức.

c. Bản sao giấy khai sinh, văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bảng điểm kết quả học tập; khi trúng tuyển phải xuất trình bản chính để kiểm tra;

Đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp học tại Việt Nam hoặc học tại nước ngoài thì cơ sở giáo dục nước ngoài phải được pháp luật Việt Nam công nhận (Cục Quản lý chất lượng hoặc Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Thí sinh có giấy chứng nhận tốt nghiệp do các cơ sở đào tạo đại học cấp đang trong thời gian chờ cấp bằng đại học được đăng ký dự thi, thí sinh nộp bản sao có chứng thực giấy chứng nhận tốt nghiệp do cơ ở đào tạo đại học cấp và kết quả học tập đại học. Trường hợp trúng tuyển phải nộp bản sao có chứng thực bằng đại học cho Văn phòng Quốc hội trước khi ra quyết định tuyển dụng.

d. Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển;

e. Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức (nếu có) được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Nếu thời điểm cấp giấy chứng nhận ưu tiên sau thời điểm hết hạn nhận Hồ sơ đăng ký dự tuyển thì không được cộng điểm ưu tiên theo quy định.

g. 02 (hai) phong bì có dán tem ghi rõ địa chỉ người nhận và 2 ảnh chân dung cỡ 4x6 cm trên nền màu trắng trong thời gian gần nhất, từ 03 tháng tính đến thời điểm thông báo.

Người đăng ký dự tuyển phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, hợp pháp của các thông tin đã khai trong hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ, lịch sử chính trị và chính trị hiện nay của bản thân. Nếu phát hiện thông tin khai trong hồ sơ không đúng sự thật, văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp hoặc có vấn đề về lịch sử chính trị, chính trị hiện nay thì người đăng ký dự tuyển hoàn toàn chịu trách nhiệm, bị loại hồ sơ nếu đang xét hồ sơ hoặc chuẩn bị thi tuyển, bị huỷ kết quả thi tuyển nếu đã dự thi hoặc bị huỷ bỏ quyết định tuyển dụng nếu đã được tuyển dụng.

Hồ sơ dự thi của mỗi thí sinh đựng trong 01 (một) túi hồ sơ riêng, ngoài túi hồ sơ ghi rõ Hồ sơ đăng ký thi tuyển công chức năm 2017, vị trí dự tuyển vào đơn vị cụ thể, họ tên, địa chỉ và điện thoại liên hệ.

Thí sinh đăng ký dự tuyển vào đơn vị nào thì nộp Hồ sơ dự tuyển trực tiếp tại đơn vị đó hoặc gửi qua đường bưu điện ghi rõ nơi nhận là đơn vị dự tuyển.

4.2. Đăng ký vị trí thi tuyển: Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi tuyển 01 đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng công chức. Trường hợp người dự tuyển nộp hồ sơ vào 02 (hai) đơn vị trở lên sẽ bị xóa tên trong danh sách dự tuyển hoặc sẽ bị hủy bỏ kết quả thi tuyển và không được hoàn phí dự tuyển đã nộp.

4.3. Lệ phí thi tuyển: 400.000 đồng/thí sinh.

Trường hợp không đủ điều kiện thi tuyển hoặc thí sinh đăng ký nhưng không tham gia thi tuyển, Văn phòng Quốc hội không hoàn trả lại hồ sơ đăng ký thi tuyển và lệ phí thi tuyển.

II. HÌNH THỨC, NỘI DUNG, ĐIỀU KIỆN MIỄN MÔN THI VÀ ĐỊA ĐIỂM THI

1. Nội dung và hình thức thi

1.1. Môn kiến thức chung

- Nội dung: Kiến thức cơ bản về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực thi tuyển; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; pháp luật về cán bộ, công chức.

- Hình thức: Thi viết.

- Thời gian: 180 phút.

1.2. Môn nghiệp vụ chuyên ngành: (02 bài thi: thi viết và thi trắc nghiệm thực hiện trên giấy viết).

- Nội dung: Kiến thức về nghiệp vụ chuyên ngành theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ hoặc tin học thì môn thi nghiệp vụ chuyên ngành là ngoại ngữ hoặc tin học. Hình thức và nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành là ngoại ngữ hoặc tin học phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Trong trường hợp này, người dự tuyển không phải thi môn ngoại ngữ hoặc tin học văn phòng. Văn phòng Quốc hội gửi thí sinh đến cơ sở đào tạo có chức năng để thi.

- Thi viết, thời gian: 180 phút;

- Thi trắc nghiệm, thời gian: 45 phút.

- Danh mục tài liệu: Danh mục tài liệu ôn thi được thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan Văn phòng Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Quốc hội (www.quochoi.vn), trang điện tử của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (nếu có).

1.3. Môn ngoại ngữ

- Nội dung: trình độ B, thí sinh được lựa chọn một trong năm thứ tiếng là tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc;

- Hình thức: Thi viết.

- Thời gian: 90 phút.

1.4. Môn tin học

- Nội dung: Kiến thức cơ bản về tin học văn phòng trình độ A.

- Hình thức: Thi trắc nghiệm trên giấy.

- Thời gian: 45 phút.

2. Điều kiện miễn thi môn ngoại ngữ, tin học

Người đăng ký dự tuyển công chức được miễn thi một số môn trong kỳ thi tuyển công chức như sau:

- Miễn thi môn ngoại ngữ trong trường hợp môn nghiệp vụ chuyên ngành không phải là ngoại ngữ nếu có một trong các điều kiện sau:

+ Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ;

+ Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam (với điều kiện tiếng nước ngoài được đào tạo là một trong năm thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc).

- Miễn thi môn tin học văn phòng trong trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học trở lên.

3. Thời gian, địa điểm tổ chức thi tuyển

- Thời gian hướng dẫn ôn tập và tổ chức kỳ thi: Hội đồng thi tuyển công chức sẽ thông báo lịch cụ thể.

- Địa điểm: tại Hà Nội.

III. CÁCH TÍNH ĐIỂM VÀ XÁC ĐỊNH TRÚNG TUYỂN

1. Cách tính điểm

a. Mỗi bài thi được chấm theo thang điểm 100.

b. Điểm các môn thi được tính như sau:

- Môn kiến thức chung: Tính hệ số 1;

- Môn nghiệp vụ chuyên ngành: Bài thi viết tính hệ số 2, bài thi trắc nghiệm tính hệ số 1;

- Môn ngoại ngữ, tin học văn phòng là môn điều kiện: tính hệ số 1 và không tính vào tổng số điểm thi.

c. Kết quả thi tuyển là tổng số điểm của các bài thi môn kiến thức chung và môn nghiệp vụ chuyên ngành tính theo điểm b nêu trên cộng với điểm ưu tiên (nếu có).

2. Xác định người trúng tuyển

a. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có đủ các bài thi của các môn thi, trừ những môn được miễn thi theo quy định;

- Có điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên;

- Có kết quả thi tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm của đơn vị đăng ký thi tuyển.

Tổng điểm chung = (điểm môn kiến thức chung x hệ số 1) + (điểm bài thi viết nghiệp vụ chuyên ngành x hệ số 2) + (điểm bài thi trắc nghiệm nghiệp vụ chuyên ngành x hệ số 1) + (điểm ưu tiên, nếu có).

Trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả thi tuyển bằng nhau ở vị trí cần tuyển dụng, người có điểm bài thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn là người trúng tuyển; nếu điểm bài thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng nhau thì người có điểm bài thi trắc nghiệm môn nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được người trúng tuyển thì Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: thống nhất với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định người trúng tuyển vào làm việc tại Vụ trực tiếp tham mưu, giúp việc Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thống nhất trong lãnh đạo Văn phòng Quốc hội để quyết định người trúng tuyển vào làm việc tại Vụ phục vụ chung; thống nhất với Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội để quyết định người trúng tuyển vào làm việc tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.

b. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.

IV. CHỈ TIÊU CÔNG CHỨC CẦN TUYỂN

Tổng chỉ tiêu thi tuyển công chức ngạch Chuyên viên và Kế toán viên của Văn phòng Quốc hội năm 2017 có danh sách kèm theo.

V. TỔ CHỨC TIẾP NHẬN HỒ SƠ

1. Thời gian tiếp nhận Hồ sơ đăng ký dự tuyển:

Từ 8h00 ngày 30 tháng 8 năm 2017 đến 17h00 ngày 29 tháng 9 năm 2017. Các trường hợp nộp sau thời gian trên đều không hợp lệ.

2. Địa điểm nộp hồ sơ: Hồ sơ được nộp tại đơn vị đăng ký dự tuyển hoặc gửi qua đường bưu điện.

3. Thời gian tổ chức thi tuyển:

Danh sách thí sinh đủ điều kiện dự tuyển; Danh mục tài liệu ôn thi; thông báo thời gian, địa điểm hướng dẫn ôn thi (nếu có); thời gian, địa điểm tổ chức thi tuyển được niêm yết công khai trên Trang thông tin điện tử của cơ quan Văn phòng Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội www.quochoi.vn, Trang Thông tin điện tử Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (nếu có), niêm yết tại trụ sở làm việc của Văn phòng Quốc hội (Nhà Quốc hội và tại địa chỉ 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội), trụ sở Vụ Công tác phía Nam, Vụ Công tác miền Trung và Tây Nguyên và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội có đăng ký thi tuyển công chức.

Văn phòng Quốc hội cung cấp danh mục tài liệu ôn thi (môn kiến thức chung và nghiệp vụ chuyên ngành) và thông báo thời gian tổ chức hướng dẫn ôn thi tuyển môn Kiến thức chung công khai trên mạng; các vụ, cục, đơn vị có chỉ tiêu thi tuyển tổ chức hướng dẫn ôn thi môn nghiệp vụ chuyên môn sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt; nội dung của các văn bản dùng thi tuyển công chức là nội dung văn bản được cơ quan có thẩm quyền đăng công báo. Văn phòng Quốc hội không tổ chức biên soạn và bán tài liệu ôn thi tuyển và không chịu trách nhiệm đối với các lớp ôn thi và tài liệu ôn tập của các tổ chức, cá nhân tự tổ chức.